Theo tướng Ristuccia, Pristina và Belgrade cần kiềm chế những phát ngôn mang tính kích động và phản tác dụng, cũng như giúp tạo ra các điều kiện cần thiết cho an ninh lâu dài tại Kosovo và trên toàn khu vực. Vị chỉ huy này cũng khẳng định KFOR hoàn toàn ủng hộ cuộc đối thoại do Liên minh châu Âu (EU) tạo điều kiện để bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo.
Hồi tháng 2/2023, EU đã thúc đẩy một bản kế hoạch 10 điểm để chấm dứt nhiều tháng khủng hoảng chính trị. Thủ tướng Kosovo Albi Kurti và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tại thời điểm đó đã đồng ý với kế hoạch này, nhưng vẫn có một số nội dung chưa được giải quyết. Tư lệnh KFOR cảnh báo rằng nếu các bên không quay trở lại bàn đàm phán, không tìm ra được giải pháp chung cũng như không đàm phán để tìm giải pháp chính trị, thế cân bằng hiện nay sẽ "trở nên mong manh và bất ổn hơn trong tương lai".
Hôm 24/9, khoảng 30 tay súng người dân tộc Serbia đã sát hại một sỹ quan cảnh sát Kosovo, sau đó dựng chướng ngại vật quanh một ngôi làng ở Bắc Kosovo trước khi trải qua hàng giờ đấu súng với cảnh sát Kosovo. Trong vụ giao tranh này, 3 tay súng Serbia cũng đã thiệt mạng.
NATO đã tăng cường hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình tại Kosovo thêm khoảng 200 binh sỹ Anh sau vụ khủng hoảng trên. Theo tướng Ristuccia, nếu tình thế đòi hỏi, các binh sỹ Romania và các quốc gia thành viên NATO khác sẽ được triển khai thêm. Quân số KFOR tại Kosovo hiện khoảng 4.500 binh sỹ từ 27 quốc gia thành viên của liên minh này.
Serbia và Kosovo đã xung đột với nhau trong nhiều thập kỷ. Cuộc chiến tranh năm 1998-1999 giữa hai bên kết thúc sau chiến dịch ném bom 78 ngày của NATO khiến các lực lượng Serbia phải rút khỏi Kosovo, đã khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng, chủ yếu là người dân tộc Albania ở Kosovo.
Cuộc đối thoại giữa Pristina và Belgrade do EU hỗ trợ, khởi đầu từ năm 2011 đến nay nhưng chỉ đạt được rất ít kết quả. Kosovo vốn là một tỉnh cũ của Serbia, đã tuyên bố độc lập vào năm 2008, tuy nhiên Belgrade đến nay vẫn không công nhận tuyến bố này.