Mục tiêu quốc phòng và hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nước đồng minh NATO đã đưa ra "cam kết lâu dài" với mục tiêu mỗi nước dành ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quân sự trong tương lai.
Cho đến nay, chỉ một phần nhỏ các quốc gia NATO chi 2% GDP hằng năm cho quân đội. Trong năm 2022, chỉ có 8 nước đạt được mục tiêu 2%, trong đó Hy Lạp đứng đầu với 3,69%, tiếp theo là Mỹ (3,45%), Litva (2,52%), Ba Lan (2,39%), Anh (2,23%), Croatia (2,17%), Estonia (2,09%) và Latvia (2,05%). Đáng chú ý là các quốc gia gia nhập NATO muộn hơn có tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trung bình cao hơn, cụ thể các nước Đông và Đông Nam Âu gia nhập NATO năm 2004 đã chi 1,8% GDP cho quân sự, trong khi với các thành viên sáng lập (trừ Iceland), tỷ lệ này là 1,6%.
Trong bối cảnh đó, các nước thành viên NATO đã đồng ý thắt chặt hơn nữa mức chi tiêu quân sự, theo đó về trung hạn, tất cả các nước NATO cần chi 2% GDP cho quốc phòng và cố gắng sẽ tiến gần mục tiêu này vào năm 2024.
Các nhà lãnh đạo liên minh quân sự cũng đã thông qua các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhằm ngăn chặn và bảo vệ, trong tất cả lĩnh vực từ không gian, mạng, trên bộ, trên biển và trên không. Theo đó, một lực lượng mới gồm 300.000 binh sĩ luôn ở trạng thái sẵn sàng cao, có thể được triển khai trên không và trên biển. Bên cạnh đó, NATO cũng phê duyệt Kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng mới để đẩy nhanh việc mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác của các thành viên NATO.
Một trong những chủ đề khác đạt được sự đồng thuận tại hội nghị lần này là việc tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Thông cáo chung của hội nghị khẳng định: "Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng đối với NATO do những diễn biến trong khu vực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương". Hồi năm 2022, NATO và lãnh đạo của nhóm 4 nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, còn được gọi là nhóm đối tác châu Á-Thái Bình Dương (AP4), đã nhất trí củng cố hợp tác trong những lĩnh vực như an ninh mạng và không gian mạng thông qua việc ký kết chương trình hợp tác có tên "Chương trình hợp tác được điều chỉnh riêng" (ITPP).
Mặc dù vậy, vẫn còn đó những khác biệt về quan điểm khi đề cập tới sự cần thiết mở một văn phòng đại diện bên ngoài khu vực châu Âu – Đại Tây Dương. Gần đây, Pháp đã lên tiếng phản đối ý tưởng thành lập một văn phòng của NATO tại Nhật Bản.
Kế hoạch mở rộng gây tranh cãi
Hội nghị Thượng đỉnh lần này của NATO là sự kiện nhằm thể hiện sự thống nhất cũng như sức mạnh của liên minh và nhìn bề ngoài, sự gắn kết của NATO có vẻ mạnh mẽ. Tất cả các thành viên đều lên tiếng ủng hộ Ukraine và đồng ý rằng Kiev cuối cùng sẽ gia nhập liên minh.
Lãnh đạo các nước thành viên NATO đã nhất trí rằng sẽ mời Ukraine gia nhập liên minh quân sự khi nước này đạt được một số điều kiện nhất định. Trong tuyên bố của các lãnh đạo NATO nêu rõ: “Tương lai của Ukraine nằm trong NATO”, đồng thời cho biết liên minh bỏ yêu cầu Ukraine thực hiện Kế hoạch hành động thành viên (MAP), theo đó loại bỏ một rào cản trên đường tiến tới gia nhập khối. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sẽ mời Ukraine gia nhập NATO khi các nước thành viên nhất trí và Ukraine đáp ứng được các điều kiện nhưng không nêu rõ các điều kiện này.
Cũng tại Vilnius, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí với gói biện pháp gồm ba yếu tố giúp Ukraine gia nhập NATO, gồm một chương trình hỗ trợ mới kéo dài nhiều năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của lực lượng vũ trang Ukraine sang các tiêu chuẩn của NATO, giúp xây dựng lại lĩnh vực an ninh và quốc phòng của Ukraine, đáp ứng các nhu cầu quan trọng như nhiên liệu, thiết bị rà phá bom mìn và vật tư y tế.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các đồng minh NATO sẽ đưa ra "quyết định mạnh mẽ" về tư cách thành viên của Ukraine và xác nhận nước này sẽ gia nhập liên minh. Tuy nhiên, nội bộ NATO vẫn chưa thống nhất về thời điểm khi nhiều nước cho rằng Ukraine sẽ chỉ được kết nạp khi xung đột với Nga kết thúc. Một số nước Đông Âu cho rằng nên đưa ra lộ trình cụ thể cho Ukraine tại hội nghị lần này, trong khi Mỹ và Đức lo ngại về những động thái có thể đẩy NATO đến gần hơn chiến tranh.
Theo bình luận của ông Michael Maloof, nguyên chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, NATO vô cùng cảnh giác với việc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Trong khi đó, ông David T. Pyne - học giả của Lực lượng Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và Nội địa Mỹ (EMP), cựu sĩ quan Bộ Quốc phòng - cho biết việc NATO cắt giảm thủ tục nhập khối cho Ukraine chỉ là một động thái mang tính biểu tượng. Hơn nữa, ông Pyne giải thích rằng nội bộ NATO cũng đang chia rẽ về việc kết nạp Ukraine. Trong đó, chỉ có 9 thành viên NATO ủng hộ Ukraine gia nhập liên mình ngay lập tức, 22 quốc gia còn lại phản đối vì họ lo ngại điều đó sẽ khiến xung đột leo thang nghiêm trọng và thậm chí có thể kéo NATO vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga mà khối này không mong muốn.
Một trong những vấn đề gây ít nhiều tranh cãi đó là việc chấp thuận đơn gia nhập NATO của Thụy Điển vốn vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Tuy nhiên, ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã từ bỏ quan điểm phản đối đơn xin gia nhập khối quân sự phương Tây của Stockholm. Sau khi chủ trì cuộc gặp giữa ông Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 10/7 tại Vilnius, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ đơn đăng ký của Thụy Điển và chuyển đề xuất này tới các nhà lập pháp Ankara để phê chuẩn. “Đây là một bước đi lịch sử giúp tất cả các đồng minh NATO mạnh mẽ hơn và an toàn hơn", ông Stoltenberg nói thêm.
Trong khi đó, Hungary cũng chưa bỏ phiếu chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển, mặc dù ông Stoltenberg cho biết Hungary đã nói rõ rằng họ sẽ không phải là nước cuối cùng phê chuẩn đơn của Thụy Điển.
Giới chuyên gia châu Âu cho rằng, việc Thụy Điển gia nhập NATO không thay đổi đáng kể cục diện an ninh, bởi Thụy Điển vốn rất gần gũi với NATO. Đầu tháng 6, Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển tuyên bố, cho NATO đóng quân trên lãnh thổ của mình dù nước này chưa chính thức gia nhập liên minh quân sự. Củng cố khả năng phòng thủ và răng đe của NATO tại khu vực sườn phía Đông trước nguy cơ từ Nga là vấn đề cấp bách, nhất là kế hoạch tăng quân thường, khí tài quân sự hiện đại thường trực tại khu vực.
Phản ứng từ Nga trước động thái mở rộng của NATO
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moskva sẽ có biện pháp đáp trả sau khi khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng tới Thụy Điển và Phần Lan. Theo ông Lavrov, Moskva sẽ đưa ra kết luận tùy thuộc vào việc NATO sẽ sử dụng lãnh thổ của Phần Lan và Thụy Điển nhanh chóng và rộng rãi như thế nào. Ông cũng khẳng định, chắc chắn điều này sẽ được thực hiện vì cả Helsinki và Stockholm đã thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau với Mỹ liên quan đến việc triển khai cơ sở hạ tầng của liên minh ngay trên biên giới với Nga.
Ngoại trưởng Lavrov cũng bày tỏ sự bất ngờ về “tốc độ từ bỏ trạng thái trung lập” của Phần Lan và Thụy Điển, cùng những lợi thế mà điều này mang lại cho họ trong nhiều thập kỷ qua, cũng như danh tiếng và uy quyền của họ ở châu Âu và trên trường quốc tế. Theo ông Lavrov, hai nước cũng từ bỏ những lợi ích từ các mối quan hệ thương mại, kinh tế, đầu tư đặc biệt và các mối quan hệ khác với Nga.
Trong khi đó, về kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc trao tư cách thành viên NATO cho Ukraine sẽ "rất nguy hiểm đối với an ninh châu Âu" và "những người đưa ra quyết định nên nhận thức được điều này". Điện Kremlin cho rằng việc mở rộng khối NATO đến biên giới nước Nga là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Tuy các nước phương Tây khẳng định NATO chỉ là một tổ chức mang tính phòng thủ, Moskva vẫn dọa sẽ có phản ứng để bảo đảm an ninh cho nước Nga trong trường hợp Ukraine được gia nhập NATO.
Có thể thấy, cho dù đã đạt được những sự đồng thuận nhất định trong nhiều vấn đề quan trọng, song NATO vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc duy trì vị thế địa chính trị và đoàn kết nội bộ trong bối cảnh phức tạp và khó lường hiện nay.
Hoài Nam (Tổng hợp)