Chủ tịch Ủy ban châu Âu về mở rộng NATO Gunther Fehlinger mới đây đã kêu gọi Armenia xem xét việc trở thành một phần của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Tiếp đó, Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Vahan Kostanyan đáp rằng Armenia đã tích cực hợp tác với NATO trên nhiều hình thức và sẵn sàng tiếp tục quá trình này.
Tuy nhiên ngày 13/9, đại diện chính thức của NATO nói với tờ Izvestia của Nga rằng Armenia chưa nộp đơn đăng ký chính thức để gia nhập Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này.
"NATO hiện chưa xem xét việc mở rộng khối để tiếp nhận Armenia, trong khi Yerevan cũng chưa nộp đơn xin tham gia", Daniele Riggio, người phát ngôn của NATO nêu rõ.
Phản ứng về vấn đề trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko mô tả những tuyên bố về việc Armenia cần phải gia nhập NATO là “những tưởng tượng lớn”.
Ông Grushko nói với hãng thông tấn Nga TASS: “Armenia vẫn là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự và chính trị”.
“Đây là đồng minh của chúng tôi và chúng tôi dựa vào nhau trong lĩnh vực an ninh. Tôi tin chắc rằng lĩnh vực này sẽ là yếu tố quyết định trong quan hệ song phương của chúng tôi trong nhiều năm tới”, nhà ngoại giao Nga lưu ý.
Về phần mình, Denis Denisov, chuyên gia tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, cho biết hiện tại không có điều kiện thực sự nào để Armenia rời CSTO do Moskva đứng đầu và nộp đơn xin gia nhập NATO.
"Trước hết, điều này có nghĩa là mối quan hệ với Nga sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Thứ hai, đây là một quá trình sẽ bắt đầu thay đổi cấu trúc an ninh ở khu vực Nam Kavkaz", ông Denisov nói trong cuộc phỏng vấn với Izvestia.
Nói về khả năng Armenia gia nhập NATO, chuyên gia này nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác và đồng minh chủ chốt của Azerbaijan, vẫn là một trong những quốc gia thành viên, có thể sẽ phản đối. Điều đó nói lên rằng, việc rời khỏi CSTO về mặt lý thuyết không có nghĩa là tự động được chấp nhận trở thành thành viên NATO.
Ông Denisov nhận định: “Trong NATO, nhiều quốc gia sẽ phải suy nghĩ về tính khả thi của việc chấp nhận một quốc gia như Armenia vào tổ chức”.
Đầu tuần này, Nga đã bày tỏ quan ngại về kế hoạch của Armenia tiến hành cuộc tập trận quân sự "Eagle Partner 2023" chung với Mỹ từ ngày 11 - 20/9, nhiều người giải thích cuộc tập trận này là dấu hiệu mới nhất cho thấy nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang rời xa Moskva.
Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố rằng kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận chung với Mỹ của Armenia là “đáng báo động” và Điện Kremlin sẽ phân tích, theo dõi kỹ lưỡng tình hình.
Trong thời gian gần đây, Armenia đã tỏ ra không hài lòng với lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga, đặc biệt là việc họ bị cáo buộc không đảm bảo quyền tiếp cận không hạn chế dọc theo hành lang Lachin nối Armenia với Nagorny - Karabakh.
Nagorny-Karabakh là khu vực từng chứng kiến xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, dẫn đến lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian vào năm 2020.
Chính phủ Armenia cho rằng Azerbaijan đã chặn việc tiếp cận hành lang và áp đặt lệnh phong tỏa đối với Nagorny - Karabakh, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại các khu vực có người Armenia sinh sống.