Thậm chí, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, vấn đề này từng khiến quan hệ giữa Mỹ với nước láng giềng Mexico không ít lần căng thẳng, khi Washing yêu cầu Chính phủ Mexico nỗ lực nhiều hơn nữa và trả tiền cho một bức tường biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư Trung Mỹ. Với việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ và triển khai chính sách được nhận định là "mềm mỏng hơn", một cánh cửa đã được mở ra để nối lại các dự án hợp tác khác nhau giữa Mỹ và Mexico vì lợi ích của các nước láng giềng Trung Mỹ, đặc biệt là các quốc gia thuộc Tam giác phía Bắc của Trung Mỹ, gồm El Salvador, Guatemala và Honduras, qua đó đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực an ninh và phát triển kinh tế-xã hội nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề người nhập cư trái phép.
Chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Guatemala và Mexico trong hai ngày qua được đánh giá là chuyển động lớn đầu tiên trong chiến lược này của chính quyền Tổng thống Biden. Trước đó, giới chức các nước đã có nhiều cuộc tham vấn về vấn đề này. Đơn cử như trong cuộc điện đàm hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden và Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã cam kết hợp tác nhằm giải quyết vấn đề người di cư từ Trung Mỹ trên cơ sở đưa ra "các giải pháp thay thế cho những hành trình di cư nguy hiểm đến Mỹ”.
Tại Guatemala, bà Kamala Harris và Tổng thống nước này Alejandro Giammattei thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong vấn đề người di cư, an ninh, tư pháp, chống tham nhũng và phát triển kinh tế. Mỹ cũng cam kết hỗ trợ 40 triệu USD cho chương trình tăng quyền của phụ nữ trẻ ở Guatemala. Trong khi đó, tại Mexico, đại diện Bộ Ngoại giao Mexico và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ đã ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc tế để thúc đẩy phúc lợi xã hội ở các quốc gia Trung Mỹ, nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề người di cư. Bản ghi nhớ hợp tác này bao gồm việc trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng sang Guatemala, El Salvador và Honduras các chương trình phúc lợi xã hội theo sáng kiến của Mexico gồm dự án trồng rừng và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên. Tổng thống Mexico Lopez Obrador đã nhiều lần đề cập tới việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tại Trung Mỹ và khu vực miền Nam nước này nhằm tạo ra một “bức tường thịnh vượng” để hạn chế làn sóng di cư từ các quốc gia Trung Mỹ.
Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc, năm 2015, đã có 417 nghìn người di cư từ Tam giác phía Bắc Trung Mỹ để đến Mỹ, gia nhập cộng đồng khoảng 2,6 triệu người Trung Mỹ đang sinh sống và làm việc tại “miền đất hứa”. Con số này từ năm 2009 đến năm 2017 đã gia tăng 35% ở Mỹ. Những người di cư chủ yếu là nam giới, với độ tuổi trung bình là 24 tuổi và có trình độ học vấn trung bình. Họ rời bỏ quê hương để thoát khỏi sự bấp bênh về kinh tế, các yếu tố khí hậu và môi trường khắc nghiệt, các vấn đề do tình trạng mất an ninh, bạo lực và ít được đảm bảo về quyền con người.
Mặc dù nhiều năm qua, hàng loạt các biện pháp đa dạng nhằm ngăn chặn những luồng di cư trái phép từ Trung Mỹ đã được triển khai, nhưng về cơ bản chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Trong 5 năm qua, ý tưởng rằng phương thuốc hiệu nghiệm nhất để ngăn chặn di cư là thúc đẩy sự phát triển xã hội toàn diện của Trung Mỹ cũng đã được từng bước thực hiện. Điển hình như các chương trình Tài khoản Thiên niên kỷ, Chương trình Phát triển toàn diện Mesoamerica và Hội nghị An ninh và thịnh vượng ở Trung Mỹ, tìm cách hướng các nguồn lực kinh tế và kinh nghiệm chính cho khu vực, nhằm tạo thuận lợi phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và việc làm.
Kế hoạch Phát triển tổng thể khu vực phía Nam của Mexico và các quốc gia Trung Mỹ, gồm Honduras, El Salvador và Guatemala, nhằm tạo ra phúc lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội là một sáng kiến được Mexico thúc đẩy và chính thức công bố vào đầu năm 2019, sau làn sóng người di cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ ồ ạt tràn qua lãnh thổ Mexico để tìm đường tới Mỹ gây tình trạng bất ổn nghiêm trọng tại đây. Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), bà Alicia Bárcena, đánh giá Kế hoạch Phát triển tổng thể khu vực phía Nam của Mexico và các quốc gia Trung Mỹ tạo không gian phát triển bền vững, kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tiếp cận phổ cập các quyền xã hội, thúc đẩy khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đảm bảo các quyền của người di cư. Kế hoạch trên bao gồm khoản đầu tư 5 tỷ USD vào khu vực phía Nam Mexico và cam kết của Mỹ đầu tư 5,8 tỷ USD để phát triển kinh tế tại El Salvador, Guatemala và Honduras. Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã không thực hiện cam kết trên.
Mexico luôn cho rằng vấn đề di cư có nhiều nguyên nhân khác nhau và một chiến lược chỉ dựa vào việc ngăn chặn dòng người ở biên giới sẽ thất bại. Đây là lý do tại sao trong suốt 20 năm qua, Chính phủ Mexico luôn hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các nước Trung Mỹ. Mexico đang triển khai và nhân rộng kế hoạch trên sang Honduras, El Salvador và Guatemala thông qua các dự án cụ thể như chương trình Giới trẻ đóng góp vào tương lai và Gieo mầm cuộc sống. Chương trình đầu tiên cung cấp cơ hội việc làm tại các công ty và nhà máy cho những người dưới 30 tuổi và chương trình thứ hai cung cấp tài chính, vật tư và đào tạo kỹ thuật cho những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở các vùng nông thôn tập trung cao. Chính phủ Mexico lên kế hoạch phân bổ 60 triệu USD cho các chương trình nhằm tạo "bức tường thịnh vượng" để ngăn dòng người di cư Trung Mỹ. Tuy nhiên, chỉ riêng nỗ lực của Mexico là không đủ mà cần có sự tham gia và trách nhiệm của Mỹ để cùng giải quyết vấn đề chung trong khu vực.
Với chính sách cứng rắn dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, vấn đề người di cư Trung Mỹ vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Trong khi đó, những hình ảnh thương tâm, như cảnh em bé Trung Mỹ khóc vì bị chia cắt khỏi mẹ (là người nhập cư bất hợp pháp) ở McAllen, bang Texas, khi Washington triển khai chính sách “không dung thứ”, theo đó bất kỳ ai vượt biên giới bất hợp pháp sẽ bị giam giữ; hay em bé chết đuối trong vòng tay cha khi cùng gia đình vượt sông Suchiate (giáp biên giới Guatemala-Mexico) để sang Mỹ, khiến dư luận rúng động và hối thúc chính quyền phải nhanh chóng giải quyết vấn đề người di cư Trung Mỹ. Đây cũng là sức ép lớn đối với Tổng thống Joe Biden sau khi nhậm chức.
Một trong những hành động đầu tiên của ông Biden trên cương vị Tổng thống là đệ trình Quốc hội Mỹ dự luật hiện đại hóa và hợp lý hóa hệ thống nhập cư của Mỹ và đề xuất phân bổ 4 tỷ USD để giảm thiểu các nguyên nhân đặc hữu của di cư ở Trung Mỹ. Đề xuất của ông đối với khu vực, cũng như các nỗ lực của Mexico trong vấn đề này, tập trung vào Tam giác phương Bắc và tìm cách làm cho các quốc gia này trở nên an toàn, mạnh mẽ và mang lại cơ hội việc làm cho người dân, qua đó giảm thiểu tình trạng di cư. Với mục tiêu này, Tổng thống Biden mong muốn các nước Tam giác phía Bắc của Trung Mỹ phân bổ nguồn lực, thực hiện các hành động cụ thể, thông qua các cải cách quan trọng, tuân thủ các chỉ số có thể kiểm toán, thể hiện quyết tâm tấn công nạn tham nhũng, huy động sáng kiến tư nhân và nâng cao vai trò của phụ nữ.
Một chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở Trung Mỹ rõ ràng đã trở thành cấp thiết trong bối cảnh làn sóng người di cư đang tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay. Theo số liệu thống kê, Lực lượng tuần tra biên giới Mỹ đã ngăn chặn hơn 173.000 người di cư vào tháng 4 vừa qua, tăng 3% so với tháng 3 và cao nhất kể từ tháng 4/2020. Trước tình trạng này, Chính phủ Mỹ đã cử phái đoàn cấp cao tới Mexico, Guatemala và El Salvador để thảo luận các biện pháp chung như phát triển kinh tế tổng thể tại khu vực Tam giác phía Bắc Trung Mỹ và các cơ chế khác nhau để đảm bảo di cư có trật tự và an toàn, bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền của trẻ em.
Có thể nói cam kết đầu tư những nguồn lực dồi dào cho sự phát triển của Trung Mỹ và các biện pháp cụ thể mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang triển khai đã trở thành đòn bẩy quan trọng cho kế hoạch giảm thiểu tình trạng nhập cư trái phép từ khu vực Trung Mỹ. Mặc dù thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực Trung Mỹ để giải quyết gốc rễ làn sóng di cư sẽ là một chặng đường dài và còn nhiều thách thức, song rõ ràng những động thái hợp tác mới nhất giữa Mỹ với Mexico và các nước Trung Mỹ đã tạo được "nền móng" đầu tiên cho "bức tường thịnh vượng", hướng tới giải pháp toàn diện cho "bài toán hóc búa" này.