Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Ardern tuyên bố nước này sẽ chuyển cảnh báo quốc gia xuống mức 1 từ nửa đêm 8/6. Bà Ardern cho biết thêm các sự kiện công và tư có thể tổ chức mà không cần thực hiện biện pháp hạn chế, các ngành bán lẻ và dịch vụ có thể hoạt động bình thường, đồng thời tất cả các phương tiện giao thông công cộng có thể hoạt động trở lại.
Trước đó, giới chức y tế New Zealand ngày 8/6 cho biết nước này hiện không còn trường hợp nào mắc COVID-19 sau khi bệnh nhân cuối cùng cũng đã khỏi bệnh và hết thời gian cách ly. Đây là lần đầu tiên New Zealand không còn ca bệnh nào kể từ ngày 28/2.
* Tại Nhật Bản, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike ngày 7/6 cho biết chính quyền thủ đô sẽ yêu cầu những người làm việc tại các hộp đêm và các cơ sở giải trí tương tự phải thường xuyên xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đây là một trong số các biện pháp mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại các khu vực chủ yếu có các hoạt động vui chơi giải trí vào ban đêm ở khu phố Kabukicho thuộc quận Shinjuku ở Tokyo.
Chính quyền Tokyo đưa ra quy định trên trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên quan đến các khu vui chơi giải trí như trên gia tăng sau khi các biện pháp hạn chế xã hội và kinh tế được nới lỏng từ cuối tháng trước. Ngày 7/6, Nhật Bản ghi nhận thêm ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 17.864 ca, trong khi đó không có ca tử vong mới nào. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản không ghi nhận ca tử vong nào theo ngày kể từ ngày 6/3. Trong đó, thủ đô Tokyo xác nhận có 14 ca nhiễm mới và 6 ca bệnh trong số đó được phát hiện có liên quan đến những người tại khu vực chủ yếu có các hoạt động vui chơi giải trí vào ban đêm. Một ngày trước đó (6/6), Tokyo thông báo có 26 ca nhiễm mới, trong đó 12 người là nam giới ở độ tuổi từ 20-30 và làm việc tại hộp đêm ở Shinjuku, và 4 trường hợp khác tình nghi cũng liên quan đến các cơ sở giải trí ban đêm này.
Dự kiến, vào cuối tuần này, Chính phủ Nhật Bản sẽ soạn thảo hướng dẫn về đảm bảo an toàn y tế tại các khu vui chơi giải trí trên nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
* Tại Hàn Quốc, thêm khoảng 1,35 triệu học sinh cấp 1 và cấp 2 được trở lại trường học vào ngày 8/6 sau hơn 3 tháng phải ở nhà nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đây là giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch gồm 4 giai đoạn của chính phủ nhằm mở cửa trở lại trường học dù vẫn lo ngại về nguy cơ xảy ra đợt bùng phát dịch thứ 2 tại Seoul và các khu vực lân cận. Đến nay, sau khi kết thúc 4 giai đoạn, tổng số học sinh được trở lại trường học tại Hàn Quốc tăng lên 5,95 triệu học sinh. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 hoặc 2/3 số học sinh trên có mặt trên lớp học vì các trường đã tổ chức học lệch ca cũng như kết hợp học trực tuyến nhằm giữ khoảng cách giữa các học sinh.
Hàn Quốc bắt đầu mở cửa trở lại trường học từ ngày 20/5, vài tuần sau khi nước này chuyển từ chiến dịch giãn cách xã hội sang "kiểm dịch trong cuộc sống hàng ngày" nhằm giúp người dân dần dần trở lại cuộc sống bình thường theo những quy tắc giãn cách được nới lỏng.
* Tại Australia, chính quyền bang New South Wales ngày 8/6 cho biết ghi nhận 3 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, trong bối cảnh lo ngại về đợt bùng phát dịch thứ 2 liên quan đến các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc diễn ra vào cuối tuần qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong khi 2 trong số 3 ca mới trên là công dân mới trở về nước đang ở khu cách ly, ca còn lại đang được truy xuất nguồn bệnh, gây lo ngại về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Giới chức y tế Australia đang lo ngại khả năng gia tăng các ca nhiễm ở nước này sau khi hàng chục nghìn người tập trung tại trung tâm thành phố Sydney, thủ phủ của bang New South Wales để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc bất chấp những khuyến cáo của giới chức y tế và nhà chức trách.
Cùng ngày, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia Tony Bartone đã kêu gọi hàng chục nghìn người biểu tình đi xét nghiệm và xem xét khả năng cách ly trong 2 tuần để giảm thiểu nguy cơ mắc COVID-19.