Theo các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu GNS, vùng hút chìm Hikurangi – một rãnh sâu trong lớp vỏ Trái Đất chạy dọc bờ biển phía đông đảo North Island (New Zealand) đang hoạt động và có thể gây ra các trận động đất 8,5 độ richter gây ra mức độ tàn phá kinh khủng hơn trận động đất trước đó càn quét quần đảo năm 2016.
Những trận động đất lớn kèm theo sau đó là sóng thần có khả năng tràn vào bờ biển New Zealand chỉ trong vài phút.
Ursula Cochran – nhà địa chất học động đất tại GNS - giải thích: “Chúng ta cần nghĩ đến trường hợp Nhật Bản năm 2011, vì toàn bộ lớp kiến tạo mảng của ta bị đứt gãy, nó sẽ gây ra một trận động đất 9 độ richter. Vùng hút chìm Hikurangi có nguy cơ trở thành đầu mối lớn nhất gây ra động đất và sóng thần tại New Zealand, nhưng vẫn còn rất nhiều thứ phải cần nghiên cứu”.
Vùng hút chìm là những khu vực ở đó các mảng kiến tạo va chạm vào nhau, mảng này đè lên mảng khác, tạo ra chấn động mà các nhà địa chất học gọi là “siêu động đất”.
Trong trường hợp của vùng hút chìm Hikurangi, mảng kiến tạo Australia đè lên một mảng kiến tạo Thái Bình Dương.
Nếu động đất xảy ra, các khu vực đông dân cư tại New Zealand như Napier, Gisborne, Nelson, Wellington, Blenheim và Palmerston North sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Những khu vực này có vị trí địa lý gần sát với vùng hút chìm Hikurangi.
Trong khi đó, nhà địa chất học Kate Clark đưa ra cảnh báo những trận động đất từ vùng hút chìm thường sản sinh các cơn sóng thần lớn vì có sự thay đổi dưới đáy biển.
Những vụ động đất lớn thường xảy ra trên vùng hút chìm có thể kể đến cơn động đất kèm theo sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 khiến hàng nghìn người thiệt mạng và gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima. Ngoài ra, trận động đất 9 độ richter xảy ra năm 2004 đã khiến 250.000 người chết ở Indonesia.