Hai nhà lãnh đạo cùng nhau lên tàu “Uragan” trên Vịnh Ajax để đến thành phố Bolshoi Kamen thăm xưởng đóng tàu của tổ hợp đóng tàu “Ngôi sao” (Zvezda).
Chủ tịch công ty Rosneft, ông Igor Sechin đã giới thiệu với các nhà lãnh đạo Putin và Modi việc hiện đại hóa nhà máy đóng tàu Zvezda và các tàu triển vọng nhà máy sẽ chế tạo.
Nhà máy Zvezda được xây dựng ở Viễn Đông năm 1954. Năm 2013, Tổng thống Putin ra lệnh thành lập một cụm công nghiệp đóng tàu trên cơ sở nhà máy này. Dự án được thực hiện bởi nhóm các nhà đầu tư do Rosneft đứng đầu.
Trong khuôn khổ EEF, ông Sechin đã giới thiệu với ông Putin và ông Modi các mẫu tàu sẽ được đóng tại nhà máy. Người đứng đầu Rosneft cũng đề cập đến việc xây dựng một cầu tàu khô, cho phép đóng các tàu có kích thước tùy ý - thậm chí lớn hơn cả các tàu sân bay đương đại.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Nga lưu ý Thủ tướng Ấn Độ về mô hình tàu phá băng nguyên tử. Ông cho biết: “Tàu phá băng này có thể phá vỡ lớp băng có độ dày gần như bất kỳ, lên tới 4m”. Thông tin trước đó cho biết xưởng đóng tàu Zvezda sẽ đóng tàu phá băng nguyên tử “Leader” công suất 120MW và tổng lượng giãn nước hơn 71.000 tấn. Tàu phá băng này có thể lai dắt hàng này một lượng tàu lớn nhất theo tuyến đường biển phương Bắc, điều cần thiết để phát triển các dự án ở Bắc Cực.
Là một phần của cuộc triển lãm chung với Cộng hòa Buryatia, Công ty Cổ phần “Trực thăng Nga” (thành viên của tập đoàn nhà nước Rostec) giới thiệu trực thăng dân dụng mới nhất Mi-171A2 và trực thăng đa năng hạng nhẹ Ka-226T, dự kiến cung cấp cho Ấn Độ, tại EEF năm nay. Trước đó, công ty “Trực thăng Nga” và công ty Global Vectra của Ấn Độ đã ký hợp đồng cung cấp 1 trực thăng Mi-171A2, với tùy chọn mua thêm 1 trực thăng nữa.
Ông Viktor Kladov, Giám đốc phụ trách quan hệ quốc tế và chính sách khu vực của Rostec cho biết tại Ấn Độ, các trực thăng do Liên Xô và Nga sản xuất chiếm hơn 30% tổng số trực thăng dân sự và quân sự đăng ký tại nước này. “Các dự án hiện tại của chúng tôi tạo ra một cơ sở tốt để phát triển hơn nữa sự hợp tác của chúng tôi”, ông Kladov nói.
Còn theo thỏa thuận liên chính phủ năm 2015, Ấn Độ sẽ được cung cấp 200 trực thăng Ka-226T, trong đó 140 chiếc được lắp ráp tại Ấn Độ. Tổng giám đốc công ty “Trực thăng Nga”, ông Andrey Boginsky thì vui mừng cho rằng hợp đồng cung cấp trực thăng Mi-171A2 cho Ấn Đô là biểu hiện rõ ràng cho thấy thực tế dòng trực thăng mới nhất này thu hút nhu cầu từ nước ngoài.
Trực thăng Mi-171A2 là đại diện mới nhất của gia đình trực thăng Mi-8/17. Nó thừa hưởng những tính năng tốt nhất của trực thăng cánh quạt Mi-8 nổi tiếng thế giới. Trực thăng được trang bị hệ thống điều khiển và bay kỹ thuật số kết hợp KBO-17 (buồng lái kính), cho phép vận hành máy bay mà không cần kỹ sư trên máy bay, nhờ đó giảm phi hành đoàn xuống còn 2 người. Các động cơ mới và hệ thống hỗ trợ giúp cải thiện khả năng của trực thăng, bao gồm cả hành trình và tốc độ tối đa.