Ngày 27/12, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Nga không còn ý định khởi xướng các dự án chung với EU, do phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại Moskva.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, quan hệ giữa Moskva và EU đang ở mức thấp lịch sử. Ông cho rằng ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt được phát động, EU đã theo chân Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga.
"Đương nhiên, sẽ không khả năng hợp tác kinh doanh như thường lệ với các đối tác như vậy. Chúng tôi không có ý định bắt đầu bất kỳ dự án chung nào", ông Lavrov nhấn mạnh.
Ông cho rằng các nhà lãnh đạo EU đã làm tổn hại đến lợi ích sống còn và hạnh phúc của công dân nước họ. Ông đồng thời nhắc lại việc Washington áp đặt trừng phạt lên các nước châu Âu vì duy trì đối thoại năng lượng với Nga - điều đã giúp đảm bảo cho người châu Âu nền thịnh vượng chưa từng có trong nhiều thập kỷ.
Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin ngày 27/12 đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm liên quan cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.
Theo quy định trong sắc lệnh của Điện Kremlin, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1/7/2023. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu dầu thô cho những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ bắt đầu bị cấm từ ngày 1/2/2023, song thời điểm bắt đầu thi hành lệnh cấm đối với các sản phẩm từ dầu mỏ sẽ do Chính phủ Nga quyết định và có thể là sau ngày 1/2/2023. Sắc lệnh còn bao gồm một điều khoản cho phép Tổng thống Putin bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt.
Biện pháp áp giá trần (ở mức 60 USD/thùng) đối với dầu mỏ Nga được vận chuyển bằng đường biển đến các quốc gia khác được Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia nhất trí, có hiệu lực từ ngày 5/12.