Ngày 12/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moskva trong bối cảnh chính quyền Kiev và lực lượng đòi liên bang hóa tại miền Đông nước này vừa nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn.Trong bài phát biểu trên truyền hình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thủ đô Dushanbe của Tajikistan, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng việc EU thông qua những quyết định chống lại Nga vào thời điểm rất quan trọng khi tiến trình hòa bình ở Ukraine đang gặt hái được thành công. Điều đó đồng nghĩa với việc EU đang lựa chọn con đường tiến tới hủy hoại tiến trình hòa bình ở quốc gia Đông Âu này.
Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin cũng đã chỉ trích lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt đối với Moskva là "không liên quan tới thực tế" và cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ là cái cớ để Washington gây căng thẳng với Nga.
Cuộc đối đầu với Liên minh châu Âu đang đẩy Nga xích lại gần châu Á. |
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Naryshkin nêu rõ các biện pháp trừng phạt do Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố một ngày trước đó không liên quan tới thực tế và đối với Washington, cuộc xung đột, khủng hoảng và đối đầu nội bộ ở Ukraine chỉ là cái cớ.
Và nếu những điều đó không xảy ra thì Washington sẽ tìm (cái cớ) khác. Ngoài ra, Chủ tịch Đuma quốc gia Nga cũng cảnh báo việc Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva có thể cản trở thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa chính quyền Kiev và các tay súng chủ trương liên bang hóa ở miền Đông.
Trước bối cảnh bị EU siết chặt trừng phạt, ngày 12/9, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh SCO, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi thực hiện các nỗ lực mới nhằm tăng cường hợp tác với Trung Quốc và các nước từng thuộc Liên Xô tại khu vực Trung Á. Người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh Moskva đang tìm cách thiết lập các mối quan hệ kinh tế với các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng do lệnh trừng phạt (của EU và Mỹ) đối với kinh tế Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga của EU có hiệu lực từ ngày 12/9, trong đó EU đã quyết định bổ sung 24 nhân vật, trong đó có các nhà lãnh đạo mới ở khu vực Donbass (miền Đông Ukraine), các thành viên chính quyền Crimea (vốn sáp nhập vào Nga từ tháng Ba), các nhà hoạch định chính sách và giới tài phiệt Nga, nâng tổng số đối tượng bị EU trừng phạt lên 119 người.
Gói biện pháp trừng phạt mới cũng cấm 6 doanh nghiệp Nga được vay vốn tại thị trường châu Âu, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc ngành quốc phòng và 3 thuộc ngành năng lượng là các công ty Rosneft, Transneft và Gazprom Neft, chi nhánh dầu mỏ của Tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom. Cùng với EU, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11/9 cũng đã tuyên bố Washington sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, cả Mỹ và EU đều khẳng định sẽ xem xét lại lệnh trừng phạt mới đối với Nga căn cứ vào diễn biến tình hình tại miền Đông Ukraine.
TTXVN/Tin Tức