Thổ Nhĩ Kỳ là nhà nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là Saudi Arabia và Brazil - những người mua lớn thứ hai trong nửa đầu tháng 7 này. Nga cũng đã tích cực xuất khẩu nhiên liệu trên sang châu Phi, chiếm hơn 20% xuất khẩu của Moskva. Các nhà phân tích cho rằng những nhà sản xuất dầu mỏ của Nga được hưởng lợi nhiều hơn từ xuất khẩu dầu diesel so với xuất khẩu dầu thô, bất chấp việc giảm giá.
Cho đến nay, hầu hết các nước châu Âu đã ngừng mua nhiên liệu của Nga kể từ tháng 2 vừa qua, sau khi EU và G7 đưa ra mức giá trần và áp đặt lệnh cấm đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga. Do đó, Nga buộc phải chuyển hướng phần lớn xuất khẩu nhiên liệu của mình sang các thị trường thay thế. Trong khi Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ và Ba Lan là những nhà nhập khẩu dầu diesel lớn nhất của Nga trong nửa đầu năm 2022, thì điều này đã thay đổi kể từ năm 2023.
Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua dầu diesel lớn nhất của Nga, tăng thị phần trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 lên 30% so với mức 8% trong cùng kỳ năm ngoái. Saudi Arabia và Brazil hiện chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là Maroc, Tunisia, Ai Cập, Libya, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Ghana.
Viktor Katona tại công ty theo dõi dầu mỏ Kpler cho biết, thị trường dầu diesel của Nga đã thay đổi và Nga phải tìm thị trường mới, chẳng hạn như ở Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, sau khi phương Tây áp trần giá dầu của Moskva.
Về phần mình, chuyên gia nhiên liệu Mikhail Turukalov cho rằng xuất khẩu dầu diesel của Nga đã tăng kể từ tháng 6 trong bối cảnh chi phí vận chuyển hàng hóa và giảm giá cho các sản phẩm của Nga khiến xuất khẩu trở nên hấp dẫn hơn. Ông lưu ý dầu diesel trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài và đồng rúp suy yếu cũng hỗ trợ xuất khẩu dầu diesel của Nga.