Theo giới điều hành của hai tập đoàn này, Nga có thể sẽ bị ngăn cản vĩnh viễn với thị trường năng lượng toàn cầu một khi châu Âu từ bỏ nguồn dầu mỏ, khi đốt nhập khẩu của Nga. Điều này sẽ mang lại cơ hội, lợi thế cho các công ty năng lượng của Mỹ và Australia.
Các nước châu Âu đẩy nhanh nỗ lực tìm kiếm nguồn cung mới về dầu mỏ và khí đốt sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2. Liên minh châu Âu (EU) đề xuất kế hoạch giảm 2/3 sản lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, cùng với đó là lệnh cấm vật dầu mỏ triệt để chống Nga đang được thảo luận trong khối.
Meg O’Neill, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ khí đốt Woodside (Australia) cho rằng châu Âu cần có thời gian để chấm dứt lệ thuộc năng lượng từ Nga. Nhưng một khi đã “thoát” thành công, EU sẽ không bao giờ quay trở lại với năng lượng Nga. Theo bà, có thể còn có bất đồng về quãng thời gian quá độ, chuyển dịch đối với dầu mỏ, khí đốt nhập khẩu từ Nga, nhưng quyết tâm của EU là rất kiên định.
“Châu Âu thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai cho rằng sẽ không để xảy ra bất kỳ cuộc chiến tranh nào khác trên phần đất châu Âu. Tôi nghĩ rằng những gì đang diễn ra tại Ukraine khiến EU bị sốc và tôi cho rằng họ sẽ không thản nhiên mua năng lượng của Nga trong tương lai”, bà O’Neill nói. Các nhà sản xuất khí hóa lỏng của Australia là bên được hưởng lợi, do nhu cầu tăng cao từ các nước Đông Á trong bối cảnh chuỗi cung khí đốt toàn cầu điều chỉnh thích ứng với việc xa lánh nguồn năng lượng từ Nga.
Kory Judd, Giám đốc vận hành thị trường Australia của tập đoàn Chevron (Mỹ) cho rằng cách duy nhất để Nga quay trở lại hệ thống năng lượng toàn cầu là bước thay đổi nhanh chóng trong quyết định hành xử của Moskva liên quan đến Ukraine, theo hướng mà ông gọi là “có trách nhiệm hơn”.
Theo Michael Shoebridge, giám đốc phụ trách mảng quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược (ASPI) ở Australia, đã xuất hiện hai nhóm “phân tách” về năng lượng, với một bên là Trung Quốc và Nga, bên còn lại là châu Âu, Bắc Mỹ và các đồng minh thân Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Phân tách là thực tế và nó ngày một gia tăng. Phân tách Mỹ-Trung xuất hiện trước và sau đó có thêm phân tách EU-Trung Quốc. Giờ đây chúng ta lại đang phải đối mặt với thách thức chiến lược đến từ Nga, Trung Quốc và chính điều đó đã tạo ra tính đoàn kết giữa các nhân tố ở châu Âu với nhân tố ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phân tách bắt nguồn từ lĩnh vực công nghệ cao và giờ mở rộng ra. Tôi nghĩ rằng sẽ có phân tách rộng rãi về năng lượng”, ông Shoebridge nói.
Theo chuyên gia này, thực tế trên đây đặt ra vấn đề các nước có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường năng lượng cần nhanh chóng xây dựng, thiết lập các chuỗi cung ứng mới theo hướng loại trừ sự tham gia của đối phương, của số thuộc nhóm thù địch.