Theo kênh RT (Nga) ngày 25/6, Moskva đã mở rộng danh sách cấm nhập cảnh và tuyên bố sẽ có "phản ứng thích hợp" đối với bất kỳ hành động không thân thiện mới nào từ Brussels, sau khi EU tuyên bố mở rộng các biện pháp hạn chế đơn phương.
Trong gói trừng phạt thứ 14 được tiết lộ hôm 24/6, EU đã đưa thêm 69 cá nhân và 47 tổ chức vào “danh sách đen”, cũng như lần đầu tiên nhắm tới khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga và hệ thống thanh toán ngân hàng của Nga.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố rằng các hành động của EU là "bất hợp pháp từ quan điểm pháp lý quốc tế, vì chúng được thực hiện mà không qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc". Bộ này nêu rõ, các biện pháp trên “hoàn toàn vô ích và chỉ làm suy yếu lòng tin của các quốc gia chiếm đa số trên toàn cầu đối với EU” .
Đáp lại những động thái không thân thiện của EU, Moskva đã “mở rộng đáng kể” danh sách những người bị cấm vào lãnh thổ Nga. Trong số đó có các thành viên của Hội đồng châu Âu, các nghị sĩ của những nước thành viên EU và các phái đoàn quốc gia tại Nghị viện châu Âu.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, lệnh cấm còn được mở rộng tới các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine; những người liên quan đến việc truy tố các quan chức Nga; những người ủng hộ việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và giao chúng cho Ukraine; cũng như nhà hoạt động phi chính phủ tham gia vào chiến dịch tuyên truyền chống Nga.
Brussels cho đến nay đã trừng phạt hơn 2.200 cá nhân và tổ chức Nga với cáo buộc “có hành động phá hoại hoặc đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine”.
Gói trừng phạt mới nhất cấm nhập khẩu khí heli của Nga và nhắm vào các hoạt động tái xuất khẩu LNG của Nga thông qua EU. Tuy nhiên, việc cung cấp LNG để sử dụng trong khối vẫn không bị ảnh hưởng.
Hội đồng châu Âu cũng đã công bố lệnh cấm Hệ thống Viễn thông Ttài chính (SPFS), hệ thống thay thế của Liên bang Nga cho Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) do phương Tây kiểm soát. Các lệnh trừng phạt của EU cũng nhằm vào hàng chục công ty ở Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vì bị cáo buộc cung cấp hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng cho Nga.
Tuyên bố của EU cho biết các biện pháp này nhắm vào các lĩnh vực “có giá trị cao” của nền kinh tế Nga, như năng lượng, tài chính và thương mại. Hội đồng châu Âu cho biết thêm, khối này cũng tìm cách ngăn chặn Moskva và các đối tác thương mại của nước này lách các lệnh trừng phạt của EU.