* AL hoãn cuộc họp khẩn cấp bàn về Xyri
Ngày 16/12, tại phiên họp kín bàn về tình hình Xyri của đại diện 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Nga đã đệ trình một bản dự thảo nghị quyết về cuộc khủng hoảng tại Xyri. Tuy nhiên, HĐBA chưa tiến hành thảo luận chi tiết về dự thảo nghị quyết này.
Những người ủng hộ Tổng thống Xyri Bashar al-Assad tại thủ đô Đamát ngày 16/12. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phát biểu với báo giới sau phiên họp, ông Vitaly Churkin, Đại sứ Nga tại LHQ, đồng thời là Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 12/2012, cho biết cuộc họp tập trung thảo luận những diễn biến mới nhất ở Xyri và dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất đã nhận được những đánh giá “tích cực” từ các nước thành viên HĐBA LHQ. Ông Churkin nhấn mạnh, HĐBA LHQ sẽ không ngừng thảo luận về tình hình Xyri và bày tỏ tin tưởng rằng “HĐBA cần phải làm điều gì đó” đối với đất nước Trung Đông đang rơi vào khủng hoảng chính trị do làn sóng biểu tình phản đối chính phủ từ tháng 3/2011.
Trong dự thảo nghị quyết về Xyri, được Nga cho là cập nhật bản dự thảo nghị quyết được Nga và Trung Quốc đưa ra trước đó, Nga mạnh mẽ lên án các hành vi bạo lực của “tất cả các bên, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực không phù hợp của chính quyền Xyri”. Bản dự thảo cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng cung cấp trái phép vũ khí cho các nhóm vũ trang gây bất ổn tại Xyri. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết của Nga không đề xuất các biện pháp trừng phạt nhằm vào Xyri.
Phản ứng trước bản dự thảo trên của Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ hoan nghênh, song cho biết nó chưa không đủ mạnh để gây áp lực lên chính quyền Xyri.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 16/12 tuyên bố, Mỹ hy vọng có thể phối hợp với Nga về bản dự thảo nghị quyết này, song thừa nhận Mỹ vẫn còn một số khác biệt với Nga. Bà Hillary cũng khẳng định “sẽ nghiên cứu kỹ bản dự thảo này". Cùng ngày, Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud cũng lên tiếng hoan nghênh dự thảo nghị quyết của Nga và gọi đây là một “sự kiện đặc biệt”.
Trong một diễn biến khác, Liên đoàn Arập (AL) ngày 16/12 đã quyết định hoãn vô thời hạn cuộc họp khẩn cấp cấp ngoại trưởng về vấn đề Xyri, dự kiến diễn ra ngày hôm nay, 17/12.
Tuy nhiên, theo nhân vật số hai của AL, ông Ahmed Ben Helli, AL vẫn tiếp tục đàm phán với Đamát xung quanh đề xuất của tổ chức này hối thúc Xyri chấp thuận để một phái đoàn đến giám sát tình hình. Trước đó, Ngoại trưởng Xyri Walid Muallem đã gửi thư tới AL nói rõ Xyri sẽ chấp nhận các giám sát viên của AL với các điều kiện nhất định, trong đó bao gồm việc AL dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang áp đặt với nước này. Tháng trước, AL đã đình chỉ tư cách thành viên của Xyri và áp đặt các biện pháp trừng phạt sau khi chính phủ nước này không ký nghị định thư chấp thuận cho phái đoàn quan sát viên của AL đến Xyri.
Cùng ngày, các nghị sỹ Gioócđani đã kêu gọi AL xem xét lại quan điểm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xyri, cho rằng cuộc khủng hoảng này phải do người Arập giải quyết. Trong một tuyên bố được nhiều nghị sỹ ký tên, các nghị sỹ Gioócđani yêu cầu AL ngăn chặn bất kỳ âm mưu nào chống lại người Xyri, đồng thời kêu gọi Đamát thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để chấm dứt tình trạng bất ổn để tránh sự can thiệp từ bên ngoài.
L.H - TTG