Theo hãng tin RT (Nga), vấn đề bảo quản vaccine đang trở thành một thách thức lớn không chỉ với Sputnik V, nhiều nhà sản xuất vaccine phương Tây khác cũng đang phải đối mặt với việc bảo quản lạnh cho loại vaccine của mình. Đặc biệt, với công thức điều chế của hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer tại Mỹ, vaccine được yêu cầu phải bảo quản ở nhiệt độ -70 đô C.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp bảo quản vaccine, Giám đốc Quỹ đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết vaccine đông khô sẽ sớm trở thành trọng tâm sản xuất chính của nước này.
“Dự kiến bắt đầu từ tháng 2, chúng tôi chủ yếu sẽ chuyển sang sản xuất vaccine dạng đông khô. Một tỷ lệ lớn liều lượng vaccine sẽ được điều chế ở dạng này”, ông nói.
Đông khô là thuật ngữ y tế để chỉ dạng khô đông lạnh, thường được sử dụng để tăng thời hạn sử dụng của thuốc. Khi đông khô, vaccine có thể được bảo quản ở nhiệt độ tương tự như trong tủ lạnh thông thường.
Tuần trước, phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev, cho biết một cơ sở lưu trữ vaccine Sputnik V đã được xây dựng ở khu vực Moscow, nhưng sẽ cần xây dựng thêm cơ sở hạ tầng ở các khu vực khác của đất nước.
“Năng lực lưu trữ tại cơ sở ở Moscow đảm bảo có thể bảo quản cùng lúc tới 3,5 triệu liều vaccine. Cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng tương tự ở các vùng. Đây là một nhiệm vụ phức tạp, quan trọng và tốn kém”, ông Medvedev nói.
Hôm 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này đã đăng ký một loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới, do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya của Moscow phát triển. Ba tháng sau, vào ngày 11/ 11, RDIF tuyên bố rằng Sputnik V có hiệu quả 92% trong việc bảo vệ con người khỏi virus SARS-CoV-2. Vaccine hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm III với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên. Các kết quả gần đây dựa trên 16.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.