Theo trang The Guardian (Anh), dự thảo hiệp ước 8 điểm được được Bộ Ngoại giao Nga chuyển cho Mỹ trong tuần này. Đây là lần đầu tiên Nga nêu chi tiết các yêu cầu của mình sau nhiều tháng căng thẳng với Ukraine và phương Tây, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Moskva cho biết hành động phớt lờ lợi ích của nước này có thể sẽ dẫn đến “phản ứng quân sự” tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Trong dự thảo, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu phương Tây đảm bảo hợp pháp an ninh của nước này. Dự thảo bao gồm yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những quốc gia tham gia liên minh sau năm 1997, bao gồm phần lớn các quốc gia Đông Âu, như Ba Lan, các nước thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Lithuania, Latvia và các nước Balkan.
Nga cũng yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông, bao gồm cả việc yêu cầu NATO không chấp thuận Ukraine gia nhập liên minh và không tổ chức các cuộc tập trận tại Ukraine, Đông Âu, các nước Caucasus như Georgia, hoặc ở Trung Á, nếu không có sự đồng ý của Nga.
Trước đó, hôm 16/12, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bác bỏ lời kêu gọi của Nga về việc không cho Ukraine gia nhập liên minh này trong tương lai, đồng thời chỉ trích việc Nga củng cố lực lượng là “khiêu khích”. Ông nói rằng điều đó phụ thuộc vào Ukraine và 30 quốc gia NATO. Hiện có những trở ngại lớn đối với việc Ukraine gia nhập liên minh, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ với Nga về việc sáp nhập Crimea.
Dự thảo của Nga cũng kêu gọi hai bên rút hệ thống tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung khỏi biên giới của nhau, thay thế Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã rút khỏi năm 2018.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đã nhận các đề xuất từ Nga để bắt đầu đàm phán và đang thảo luận với các đồng minh và đối tác châu Âu. Ông tuyên bố: “Sẽ không có cuộc đàm phán nào về an ninh châu Âu nếu không có các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.
Hôm 17/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov, cho biết nước này không đặt thời hạn cho các cuộc đàm phán nhưng Nga muốn bắt đầu các cuộc đàm phán “không bị trì hoãn và đình trệ.”
“Chúng tôi có thể đến bất cứ nơi nào và bất kỳ lúc nào, kể cả ngày mai”, ông nói. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng những yêu cầu này là vô lý hay không, ông khẳng định là không. “Đây không phải là việc chúng tôi đưa ra một tối hậu thư. Vấn đề là không nên đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng những cảnh báo của chúng tôi”, ông nói.
Tuy nhiên, những đề xuất tích cực của Điện Kremlin có thể sẽ bị các nước phương Tây từ chối. Giới chuyên gia cho rằng những đề xuất này có thể sẽ bị các nước NATO, đặc biệt là Ba Lan và các nước Baltic, nhìn nhận cực kỳ tiêu cực. Họ đã cho rằng Nga đang cố gắng thiết lập lại phạm vi ảnh hưởng trong khu vực và coi yêu cầu này là bằng chứng Moskva đang tìm cách hạn chế chủ quyền của họ.
Về phía Mỹ, một quan chức cấp cao của nước này hôm 17/12 cho biết Điện Kremlin chắc hẳn biết rằng một số phần trong đề xuất của họ là “không thể chấp nhận được”.