Nga dùng tín hiệu GPS gây nhiễu giả để giấu vị trí của Tổng thống Putin

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao của Mỹ (C4ADS) cho biết Nga đã sử dụng thiết bị chiến tranh điện tử gần 10.000 lần để tạo ra các tín hiệu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giả mạo nhằm che giấu vị trí của Tổng thống Vladimir Putin. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) đến thị sát công trường xây dựng cầu nối qua Eo biển Kerch năm 2018. Ảnh: AP

Theo kênh Fox News, C4ADS đã nghiên cứu gần 10.000 trường hợp trong đó công nghệ đánh lừa GPS của Nga đã làm nhiễu loạn các hệ thống định vị vệ tinh trên tàu thuyền, tại các sân bay và những vị trí khác bên ngoài lãnh thổ của nước này. 

C4ADS - là tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích các vấn đề an ninh và xung đột trên toàn cầu – cũng báo cáo về “một mối tương quan gần giữa hoạt động di chuyển của nhà lãnh đạo Nga và tín hiệu Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS) giả”, cho thấy khả năng công nghệ này được dùng để che giấu vị trí của ông Putin.  

GNSS là thuật ngữ để mô tả chung các hệ thống định vị vệ tinh, bao gồm GPS, GLONASS của Nga, Galileo của châu Âu và Bắc Đẩu của Trung Quốc. Công nghệ đánh lừa của Nga đã gây nhiễu GNSS bằng cách phủ sóng radio khắp khu vực, che hết dữ liệu thực tế gửi từ vũ trụ. 

C4ADS đã tiến hành một cuộc điều tra trong 12 tháng, kết thúc tháng 11/2018, sử dụng dữ liệu phát phổ biến cùng các công nghệ thương mại, trong đó có thông tin từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) để “vén màn” gần 9.883 trường hợp Nga gây nhiễu GNSS. 

Cụ thể, ít nhất 1.311 tàu thương mại ở trong và gần vùng biển của Nga đã bị rối loạn tín hiệu GPS kể từ tháng 2/2016, tuy nhiên vì đa số tàu thuyền ngày nay đều có phương pháp dự phòng để xác định vị trí nên họ vẫn có thể tiếp tục hành trình.

Theo C4ADS, những kỹ thuật đánh lừa GPS đã được triển khai tại Syria và Crimea. Trong một số trường hợp, chúng cũng được sử dụng để làm chệch hướng thiết bị bay không người lái thương mại không đi vào vùng không phận bị giới hạn.

Đáng chú ý, C4ADS cũng tiết lộ Nga đã sử dụng công nghệ chiến tranh điện tử để che khuất vị trí của Tổng thống Putin khi ông đến thăm cầu Kerch, hay còn gọi là cầu Crimea, ngày 15/5/2018 và ngày 15/9/2018. 

Xuân Chi/Báo Tin tức
Đằng sau lời hứa của NATO bảo vệ tàu Ukraine trên Eo biển Kerch
Đằng sau lời hứa của NATO bảo vệ tàu Ukraine trên Eo biển Kerch

Cho dù động cơ đằng sau tuyên bố của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng sẽ đảm bảo cho tự do hoạt động hàng hải của tàu Ukraine trên Eo biển Kerch là gì, thì nó vẫn là một “ý tưởng vô trách nhiệm và nguy hiểm”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN