Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã đưa ra tuyên bố trên ngày 18/12 trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Kommersant (Thương gia).
Theo ông Ryabkov, Mỹ chưa trả lời đề xuất của Nga tiến hành tham vấn song phương về số phận Hiệp ước INF, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố kế hoạch rút khỏi thỏa thuận này.
Ông nhấn mạnh hiệp ước này không thể bị đình chỉ, nhưng có thể bị vi phạm một cách công khai thông qua việc sản xuất và phát triển các hệ thống tên lửa bị cấm. Trong khuôn khổ việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, việc triển khai các bộ phận của những hệ thống tên lửa bị cấm trong Hiệp ước INF vẫn đang tiếp diễn ở châu Âu.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết những thiếu sót của Hiệp ước INF không phải là một lí do để hủy bỏ hiệp ước này, đồng thời nhấn mạnh cách duy nhất là thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị đang có.
Phát biểu tại Hội nghị giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí của EU, bà Mogherini nêu rõ: "Tất cả chúng ta đều hiểu rằng cấu trúc an ninh hậu Chiến tranh Lạnh chưa hoàn hảo và hầu hết các thỏa thuận quốc tế cũng chưa hoàn hảo. Nhưng đó không phải là lí do để thụt lùi và hủy bỏ cái mà chúng ta đã đạt được. Ví dụ, Hiệp ước INF là một trong những những hiệp ước then chốt để chấm dứt Chiến tranh Lạnh, góp phần làm cho lục địa châu Âu của chúng ta an toàn hơn".
Bên cạnh đó, theo bà Mogherini, những quan ngại của Mỹ về sự tuân thủ của Nga với hiệp ước này nên được giải quyết "theo một cách độc lập và minh bạch hơn - không phải bằng lời nói mà bằng hành động".
Trước đó, ngày 4/12, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, một thỏa thuận thời Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung và tầm ngắn, nếu Moskva không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày.
Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga chế tạo các loại vũ khí vi phạm quy định của thỏa thuận trên. Tuy nhiên, Moskva khẳng định Nga tuân thủ Hiệp ước INF trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo thỏa thuận, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi Hiệp ước INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc Hiệp ước INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.