Phát biểu với báo giới ngày 11/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng phần lãnh thổ do Mỹ kiểm soát trước đây cần được chuyển giao cho Chính phủ Syria. Bà nêu rõ: "Trong vấn đề này, việc thiết lập đối thoại giữa người Kurd và chính quyền trung ương Damascus mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sau tất cả, người Kurd là một phần không thể thiếu của xã hội Syria".
Ngoài ra, bà Zakharova cũng cho biết Nga nhận thấy chính giới Mỹ vẫn muốn ở lại Syria bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước bất ngờ thông báo rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này.
Quan chức này khẳng định Nga vẫn duy trì cam kết đối với một thỏa thuận đã đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ổn định tình hình tại tỉnh Idlib, một trong 4 vùng giảm căng thẳng ở Syria được thiết lập trong khuôn khổ thỏa thuận do các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết và bảo trợ. Tuy nhiên, Moskva cũng lo ngại về tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn gia tăng tại khu vực này.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Trump bất ngờ thông báo quyết định rút quân Mỹ (khoảng 2.000 binh sĩ) khỏi Syria sau 4 năm tham gia chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" IS (tự xưng) tại đây.
Quyết định này vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Mỹ, trong đó có các nghị sĩ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh của Washington. Một số ý kiến cho rằng quyết định này khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số, còn gọi là Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) vốn được Mỹ ủng hộ tham gia cuộc chiến chống IS, rơi vào tình cảnh không chắc chắn.
Bất chấp những chỉ trích trên, ngày 11/1, người phát ngôn liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Syria, Đại tá Sean Ryan, thông báo liên quân đã bắt đầu tiến hành rút binh sĩ khỏi quốc gia Trung Đông này.