Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã kêu gọi các nước tránh những bước đi hay kết luận vội vàng có khả năng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Ông cũng bày tỏ hy vọng Saudi Arabia sẽ giải quyết được hậu quả vụ tấn công trong tương lai gần.
Ngoài ra, người phát ngôn cũng xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Saudi Arabia vào tháng 10 tới.
Trong tuyên bố riêng rẽ, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ tin tưởng rằng các vụ không kích nhằm vào mục tiêu dân sự là hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị tại Yemen. Do đó, Nga tin rằng việc lợi dụng những gì đã xảy ra để làm leo thang căng thẳng liên quan tới Iran như chính sách Mỹ đang thực hiện sẽ gây tác dụng ngược. Theo bộ này, những đề xuất và hành động đáp trả cứng rắn dường như đã được thảo luận tại Washington là không thể chấp nhận.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đồng minh Saudi Arabia sau vụ tấn công mà ông mô tả là "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế". Liên quan việc mở kho dự trữ dầu mỏ, người phát ngôn của Thủ tướng Johnson khẳng định nhà chức trách Anh đang theo dõi tình hình và phối hợp với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên, cho rằng "tình hình cực kỳ đáng lo ngại". Ông cho hay dù Houthi đã nhận là thủ phạm vụ tấn công, song Berlin vẫn đang đánh giá cùng các đối tác xem thủ phạm thực sự là ai và vụ việc xảy ra như thế nào. Nhà ngoại giao hàng đầu của Đức nhấn mạnh điều quan trọng là phải tỉnh táo phân tích tình hình.
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Iraq nêu rõ trong cuộc điện đàm mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo với Thủ tướng Adel Abdul Mahdi rằng Washington có thông tin chứng thực lãnh thổ Iraq không bị sử dụng để tiến hành cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia. Đáp lại, Thủ tướng Mahdi khẳng định rằng "nhiệm vụ của Iraq là bảo vệ an ninh và ổn định đất nước nhằm tránh làm leo thang căng thẳng, cũng như ngăn việc lãnh thổ bị sử dụng để chống lại các quốc gia láng giềng, anh em và hữu nghị".
Ngày 14/9 vừa qua, nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia đã bị tấn công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Vụ tấn công đã làm giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua, khiến Mỹ phải mở các kho dự trữ dầu chiến lược của mình để ổn định nguồn cung. Phần Lan cũng đang cân nhắc sử dụng kho dự trữ dầu khẩn cấp để giảm tác động của sự việc trên. Giới chuyên gia nhận định vụ tấn công có thể gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu. Saudi Arabia hiện đang chạy đua với thời gian để sửa chữa và hoạt động lại các nhà máy dầu bị tấn công.
Phiến quân Houthi tại Yemen sau đó đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ tấn công, song Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công bắt nguồn từ Yemen, nơi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu chống Houthi hơn 4 năm qua. Giới chức Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công này, song Tehran đã bác bỏ cáo buộc.