Kênh truyền hình nhà nước Iran dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Abbas Mousavi lên án những cáo buộc trên là “hoàn toàn vô căn cứ và không thể chấp nhận được”.
Trả lời trước báo giới hôm 15/9, một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng bằng chứng cho thấy Iran là thủ phạm của vụ tấn công nhằm vào cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới ngày 14/9 vừa qua, chứ không phải là phiến quân Houthi tại Yemen như nhóm này đã thừa nhận.
Liên quan đến các vụ tấn công trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/9 cho rằng việc đổ lỗi cho bất cứ ai gây ra vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia mà không có bằng chứng xác đáng là vô trách nhiệm.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ Trung Quốc hy vọng tất cả các bên sẽ kiềm chế.
Vụ tấn công vào 2 cơ sở dầu mỏ trọng yếu của Saudi Arabia khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Vụ tấn công làm giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua, khiến Mỹ phải mở các kho dự trữ dầu chiến lược của mình để ổn định nguồn cung.
Cùng ngày 16/9, Hàn Quốc cho biết sẽ cân nhắc mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này nếu tình hình nhập khẩu dầu thô trở nên xấu đi sau vụ tấn công. Là nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ 5 thế giới, các kho dự trữ chiến lược của Hàn Quốc hiện có khoảng 96 triệu thùng dầu thô và sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ. Các kho dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu dầu mỏ của nước này trong 90 ngày.
Bất chấp chính quyền Washington cáo buộc Tehran đứng sau vụ tấn công, Nhà Trắng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể vẫn gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp tới tại thành phố New York cuối tháng này.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: “Chúng tôi chưa lên kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh này và tôi cho rằng cuộc gặp như vậy sẽ không diễn ra tại New York”. Ông Mousavi tái khẳng định Mỹ có thể nối lại đàm phán nếu quay trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), và dừng các biện pháp “khủng bố về kinh tế” nhằm vào Iran.