Theo thỏa thuận lập một vùng phi quân sự từ ngày 15/10 tới, toàn bộ tay súng phải rút khỏi khu vực này, trong khi các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phối hợp tuần tra. Ankara cũng nhất trí phân loại các tay súng đối lập với các tay súng thánh chiến thuộc các nhóm bị Liên hợp quốc (LHQ) coi là khủng bố, tuy nhiên số phận của các phần tử cực đoan này vẫn chưa được quyết định.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 73 ở New York (Mỹ), ông Lavrov cho biết: "Có người nói rằng các phần tử trên sẽ được đưa đến các điểm nóng khác, chẳng hạn như Afghanistan. Điều này là không thể chấp nhận được". Ông nhấn mạnh: "Các đối tượng này phải bị tiêu diệt, hoặc phải đối mặt với một tiến trình pháp lý".
Ngoại trưởng Lavrov đã gặp những người đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này bên lề kỳ họp ĐHĐ LHQ để thảo luận các bước tiếp theo trong thỏa thuận về Idlib. Ông Lavrov cũng đã gặp Ngoại trưởng Syria Walid Muallem thảo luận về việc này.
Các nhà ngoại giao LHQ cho biết thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn tại Idlib, đồng thời mở ra một cơ hội để tiến hành các cuộc đối thoại chính trị. Ngày 27/9 vừa qua, 7 quốc gia (trong đó có Mỹ, Pháp, Saudi Arabia, Jordan, Ai Cập) đã kêu gọi Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura thành lập một ủy ban soạn thảo một hiến pháp thời hậu chiến cho Syria.
Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng không nên vội vàng chuẩn bị cho ủy ban trên, đồng thời nhấn mạnh "sẽ là một sai lầm nghiêm trọng" nếu ép các bên tham chiến bắt đầu làm việc với nhau khi chưa có một thỏa thuận nào.
Iran và Nga hiện đang cung cấp hỗ trợ quân sự quan trọng cho các lực lượng Chính phủ Syria trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nhóm vũ trang. Năm 2017, ba nước này đã thiết lập cơ chế đối thoại Astana, song song với nỗ lực hòa đàm của LHQ về Syria diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ).
Hơn 360.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến Syria kể từ năm 2011 đến nay. Hàng triệu người đã mất nhà cửa, phải đi sơ tán.