Trong bối cảnh nước CH tự trị Crimea (Crưm) trực thuộc Ukraine chuẩn bị tiến hành trưng cầu ý dân về sáp nhập vào LB Nga vào ngày 16/3 tới, Nga và Mỹ tiếp tục duy trì quan điểm khác biệt trong tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong cuộc điện đàm ngày 11/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục bảo lưu các quan điểm của mình, theo đó Moskva kiên quyết từ chối đối thoại với chính phủ tạm quyền tại Kiev đồng thời kêu gọi các bên thực thi thỏa thuận ký ngày 21/2 về cải cách Hiến pháp.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, một mặt tái khẳng định duy trì đối thoại với Nga, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố mục đích cuối cùng là bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Ông cũng kêu gọi Nga đối thoại trực tiếp với chính quyền Kiev thông qua nhóm liên lạc mà Mỹ và các đồng minh tại châu Âu đang thiết lập. Liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân của Crimea về việc sáp nhập vào LB Nga tới đây, quan chức Washington cho rằng đây là hành động bất hợp pháp vì không được sự chấp thuận của chính quyền trung ương tại Kiev.
Tuyên bố mới nhất sau cuộc điện đàm nói trên của Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Washington sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các nước đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Về phía mình, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết hai ngoại trưởng đã trao đổi ý kiến về những đề xuất cụ thể mà hai nước đưa ra nhằm bảo đảm nền hòa bình và sự hòa hợp dân tộc tại quốc gia Đông Âu này. Moskva cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo quyền lợi của tất cả người dân Ukraine và tôn trọng quyền cũng như nguyện vọng của người dân Crimea trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Cuộc điện đàm trên diễn ra sau khi Nga phản đối đề xuất của Mỹ về giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, đồng thời thông báo Moskva cũng soạn thảo một đề xuất nhằm đưa tình hình trở lại trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Trong đề xuất của mình, Washington cho rằng Moskva cần tiến hành đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Moskva và Kiev; triển khai giám sát viên quốc tế tại Ukraine; các lực lượng Nga tại Crimea trở về căn cứ; quốc tế hỗ trợ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng năm tới tại Ukraine.
Trong ý kiến phản bác, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nêu rõ các đề xuất này được xây dựng theo hướng dường như đang tồn tại mâu thuẫn giữa Moskva và Kiev, cũng như theo hướng phải chấp nhận một việc đã rồi. Theo ông, đề xuất của Mỹ xuất phát từ tình hình nảy sinh sau một vụ đảo chính cướp chính quyền ở Ukraine, và hướng giải quyết của Washington là chấp nhận hành động này.
Thay vào đó, ông Lavrov cho biết Bộ Ngoại giao Nga đã phối hợp với Hội đồng An ninh soạn thảo đề xuất nhằm đưa tình hình Ukraine vào khuôn khổ luật pháp quốc tế trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của tất cả mọi người dân Ukraine.
TTXVN/Tin tức