Nếu thành công, đây sẽ là cuộc gặp đối mặt đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Mỹ trong gần một năm qua, mà yếu tố thúc đẩy chính là tình hình Syria thời gian gần đây. Tờ The New York Times (Mỹ) dẫn lời quan chức giấu tên tại Nhà Trắng cho biết, ông Obama hiện xem cuộc gặp này là hữu ích để truyền đi thông điệp Moskva cần thực hiện nghiêm cam kếtvề lập lại hòa bình ở miền Đông Ukraine, đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao trong vấn đề Syria.
Hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Brisbane, Australia, tháng 11/2014. Ảnh: Getty Images |
Hai ông có khả năng gặp nhau vào ngày 28/9 hoặc 29/9 khi tham dự các phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Hai bên đang cố gắng ấn định thời điểm cuộc gặp thuận lợi cho cả hai. Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này. Quyết định này được xem là bước chuyển của Washington sau một loạt những “nỗ lực” bao vây, cô lập Moskva liên quan đến việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, xung đột, bất ổn bùng phát ở miền Đông Ukraine.
Hôm 15/9, điện Kremlin phát đi thông báo Tổng thống Putin luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Mỹ, nhất là với người đồng cấp Obama. Liền sau đó, các cố vấn Nhà Trắng thảo luận, bàn bạc về khả năng này tại thời điểm Moskva tăng cường can dự ở Syria. Một số quan chức e ngại, một cuộc gặp như thế đồng nghĩa với việc ông Putin ở thế “cửa trên”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng John Kerry là người ủng hộ việc tiếp xúc với Nga kể cả là chấp nhận mạo hiểm. Các đồng minh châu Âu muốn ông Obama gặp đồng cấp người Nga để truyền đi thông điệp Mosvka cần thực thi lộ trình hòa bình ở Ukraine theo tinh thần Thỏa thuận Minsk. “Nếu có cơ hội để nói chuyện với người Nga, chúng ta sẽ tập trung vào việc nhắc lại thông điệp của Mỹ và các đối tác châu Âu về tình hình Ukraine. Liên quan đến Syria, chúng ta luôn khẳng định cách thức duy nhất để giải quyết cuộc xung đột này là thông qua con đường ngoại giao”, quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Ông Obama từng hủy cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin vào năm 2013, sau khi Moskva cấp quy chế tị nạn cho “kẻ đào tẩu” Edward J. Snowden. Kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga (3/2014), kênh tiếp xúc cấp cao này tiếp tục bị ngưng trệ. Hai nhà lãnh đạo chỉ có “cuộc gặp thoáng qua” hôm 6/6/2014 tại Pháp khi cùng dự Lễ kỉ niệm 70 năm quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển ở Normandy; trao đổi một vài câu xã giao bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Australia tháng 11/2014.