Hãng tin TASS dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga sau cuộc điện đàm nêu rõ Ngoại trưởng Lavrov đã nhấn mạnh "sự cần thiết phải có các đảm bảo của Ukraine rằng hành lang nhân đạo và các cảng của Ukraine liên quan đến nỗ lực vận chuyển ngũ cốc không bị sử dụng cho các hành động chống LB Nga. Chỉ trong trường hợp này, những cuộc thảo luận về nối lại hoạt động đi lại qua hành lang an ninh được thiết lập theo Sáng kiến Biển Đen mới có thể thực hiện được”.
Thỏa thuận, có tên gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7, dưới sự trung gian của Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ để nối lại việc xuất khẩu lương thực của Ukraine, cũng như phân bón của Nga ra thị trường quốc tế. Từ khi thỏa thuận được triển khai, hơn 9 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã được xuất khẩu. Dự kiến, thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn vào ngày 19/11 tới nếu không có bên nào phản đối. Tuy nhiên, ngày 29/10, Nga thông báo đình chỉ tham gia sáng kiến trên do nước này không thể "đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự" sau khi Hạm đội Biển Đen bị tấn công. Trong khi đó, giới chức Ukraine cho rằng Nga muốn rút khỏi thỏa thuận này.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cũng khẳng định Moskva sẽ phải thực hiện các biện pháp của riêng mình để kiểm tra các tàu đi qua Biển Đen khi thực tế cho thấy có "việc lợi dụng hành lang nhân đạo và nhìn chung, Biển Đen vẫn là khu vực xung đột".
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ Ukraine phải đảm bảo rằng không có mối đe dọa nào nhằm vào các tàu trong hành lang ngũ cốc. Ông nói: “Ukraine phải đảm bảo rằng sẽ không có mối đe dọa nào đối với các tàu dân sự và tàu tiếp tế của Nga." Nhà lãnh đạo Nga khẳng định quyết định đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc của Moskva có liên quan đến các mối đe dọa đối với hành lang nhân đạo.
Trong khi đó, cũng trong ngày 31/10, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo, kiêm điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths, cho biết LHQ mong muốn Nga tham gia trở lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ông khẳng định LHQ sẵn sàng giải quyết những lo ngại và lắng nghe đề xuất của tất cả các bên khi hiệu lực của thỏa thuận dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 19/11 tới. Phó Tổng Thư ký LHQ Griffiths nhấn mạnh: “Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen rất quan trọng và không thể đổ vỡ”.