Nga nêu sáng kiến giải quyết khủng hoảng Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã rút quân khỏi khu vực biên giới, chấp nhận bầu cử, đồng thời kêu gọi hoãn cuộc trưng cầu ý dân về quyền tự trị ở khu vực đông nam Ukraine. Động thái này được cho là có thể làm giảm nhiệt căng thẳng, song vẫn không được các bên mặn mà đón nhận.


Động thái bất ngờ


Trong cuộc họp với ông Didier Burkhalter, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) ngày 7/5, Tổng thống Putin cho biết do thế giới lo ngại việc binh sĩ Nga ở gần biên giới Ukraine nên ông đã cho quân Nga rời khỏi khu vực biên giới này, rút về căn cứ và các khu vực huấn luyện. Các nước có thể xác minh bằng các công nghệ do thám hiện đại.

 

Tổng thống Nga Putin (phải) và Chủ tịch OSCE tại cuộc họp báo ngày 7/5 ở Điện Kremlin. Ảnh: AFP/TTXVN


 


Tổng thống Putin cũng kêu gọi đại diện các khu vực đông nam Ukraine hoãn cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 11/5 để tạo điều kiện cần thiết cho đối thoại với chính quyền Ukraine. Nga ủng hộ đề xuất của Đức về tổ chức một đối thoại bàn tròn công bằng, trực tiếp và đầy đủ các thành phần giữa chính quyền Ukraine và đại diện các khu vực đông nam.


Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết cho một cuộc đối thoại kiểu này là quân chính phủ Ukraine và các nhóm cực hữu phải chấm dứt bạo lực nhằm vào người biểu tình.


Về cuộc bầu cử tổng thống Ukraine dự kiến vào ngày 25/5, ông Putin cho rằng đây là một bước đi đúng hướng, nhưng lưu ý rằng bầu cử sẽ không giải quyết được vấn đề gì trừ khi mọi công dân Ukraine đều được đảm bảo quyền lợi.


Thông báo của ông Putin được dư luận đánh giá là bất ngờ vì cách đó không lâu Nga vẫn nhất quyết duy trì tập trận gần biên giới Ukraine, đồng thời không ủng hộ kế hoạch bầu cử tổng thống Ukraine.


Phương Tây hoài nghi


Động thái mới của Nga đã thắp lên một tia hi vọng dập tắt cuộc xung đột nóng bỏng ở miền đông nam giữa phe biểu tình và lực lượng chính phủ, tuy nhiên nó lại gây ra phản ứng trái chiều giữa các nước phương Tây và không được các phe ở Ukraine chào đón.


Trong khi Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier hoan nghênh tinh thần xây dựng của ông Putin thì Ukraine và Mỹ lại tỏ ra nghi hoặc. Nhà Trắng cho biết đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy Nga đã rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine.


Bất chấp lời kêu gọi của Nga, thủ lĩnh nước CHND Donetsk tự xưng, ông Denis Pushilin, ngày 8/5 cho biết cuộc trưng cầu ý dân sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch vào ngày 11/5 tới. Trước đó, những người biểu tình ở Luhansk, miền Đông Ukraine, cũng từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Putin về việc trì hoãn cuộc trưng cầu ý dân.


Về việc Nga kêu gọi hoãn trưng cầu ý dân ở miền đông, Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố ngày 8/5 nói rằng: Bất kỳ cuộc trưng cầu ý dân nào mà không tham vấn với chính quyền Kiev là vô nghĩa và không thể chấp nhận được. Do đó, trưng cầu ý dân ở miền đông là bất hợp pháp về mặt định nghĩa. Kêu gọi hoãn cuộc trưng cầu này chỉ là trò khôi hài và không có thiện ý.


Phát biểu với báo giới tại thủ đô Kiev, quyền Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Andriy Parubiy khẳng định chiến dịch quân sự sẽ vẫn được triển khai bất chấp mọi quyết định của những người biểu tình ủng hộ liên bang hóa Ukraine ở Donetsk.


Những diễn biến nêu trên cũng với tuyên bố của Kiev sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự trấn áp người biểu tình khiến cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn chưa tìm ra lối thoát.


Thùy Dương (Tổng hợp)

NATO đang kích động để Nga can thiệp vào Ukraine
NATO đang kích động để Nga can thiệp vào Ukraine

Mỹ đã hồi sinh lại một cuộc Chiến tranh Lạnh thông qua vụ lật đổ ở Ukraine hồi tháng 2 vừa qua, thông qua vụ lật đổ ở Ukraine vào tháng 2 vừa qua bằng lực lượng phát xít do Washington tài trợ, kiểm soát và đạo diễn. Phương Tây đang tìm cách kích động để ông Putin can thiệp vào Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN