Chia sẻ quan điểm trên kênh Telegram cá nhân ngày 12/1, ông Volodin cho rằng Washington ngày nay chỉ biết hành động vụng về, mang tính phá hủy. Cụ thể, Mỹ đang hủy hoại các hệ thống an ninh quốc tế được xây dựng trước đây nhằm tránh việc lặp lại một thảm cảnh của Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mỹ đã đơn phương rút khỏi những thỏa thuận quốc tế quan trọng nhất, đóng vai trò then chốt trong duy trì cân bằng chiến lược, cân bằng quân sự.
Theo Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Mỹ cũng đã phớt lờ, vượt mặt Liên hợp quốc, để đưa ra các quyết định về ném bom nhằm vào các quốc nước có chủ quyền, xâm lấn lãnh thổ của nước khác. Không những vậy, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - thực thể được lập ra với sứ mệnh bảo đảm an ninh ở châu Âu, đã dần đánh mất vai trò.
“Cách thức để thoát ra tình cảnh hiện nay, mà thực chất là giảm căng thẳng toàn cầu, phụ thuộc vào hành động của Mỹ. Mỹ có thể hỗ trợ các biện pháp an ninh mà Nga đề xuất, hoặc phải là bên nhận trách nhiệm về những hệ quả một khi Nga không có được những bảo đảm an ninh đó. Phản ứng của Mỹ cần phải cụ thể và thực chất, không nên kéo dài thời gian”, ông Volodin nêu quan điểm.
Sau 8 giờ thảo luận tại Geneva hôm 10/1, vòng đàm phán về đảm bảo an ninh Nga-Mỹ đã kết thúc mà không có bước tiến đáng kể nào. Trưởng phái đoàn Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov tuyên bố Mỹ sẽ bị coi là “đùa với lửa” khi không nhanh chóng xúc tiến, dàn xếp một cam kết, thỏa thuận có ràng buộc pháp lý về giảm hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu và không kết nạp Ukraine làm thành viên. Nga sẽ không thay đổi quan điểm về những vấn đề được xem là then chốt.
Phát biểu trước báo giới cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman khẳng định phái đoàn Mỹ đã thể hiện lập trường cứng rắn trong đàm phán. Mỹ sẵn sàng thảo luận hạn chế “có đi có lại” về triển khai tên lửa và tập trận quân sự, nhưng kiên quyết phản bác những đề xuất an ninh của Moskva, gọi đây là những đòi hỏi không thực tế, đi ngược với chính sách mở cửa của NATO.