Theo báo Izvestia (Nga) ngày 8/11, một tháng đã trôi qua kể từ khi bùng phát xung đột mới nhất giữa Israel với nhóm Hamas người Paelstine ở Dải Gaza, và hiện vẫn khó có thể thảo luận về bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cho cuộc khủng hoảng khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm cách hướng tới một lệnh ngừng bắn.
Đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du mới nhất tới Trung Đông, trong đó ông đã đến thăm Israel, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã cố gắng thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thực hiện "tạm dừng giao tranh vì nhân đạo", nhưng đề xuất này đã bị từ chối ngay lập tức.
Liên hợp quốc (LHQ) cũng đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình và dự kiến triệu tập một cuộc họp khác của Hội đồng Bảo an vào ngày 9/11 để thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Dải Gaza đang bị bao vây đang phải đối mặt.
Về phần mình, Nga đã đưa ra 2 nghị quyết về lệnh ngừng bắn nhưng đều bị Mỹ bác bỏ. Tuy nhiên, như Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại LHQ, ông Dmitry Polyansky nói với tờ Izvestia, Hội đồng Bảo an sẽ không xem xét bất kỳ đề xuất nào chính thức chỉ định Hamas hoặc nhóm ủng hộ chính của phong trào này, Hezbollah có trụ sở tại Liban, là các tổ chức khủng bố.
Trước đó, Israel yêu cầu Nga chỉ định các thành viên của phong trào Hamas là những "kẻ khủng bố".
"Những sáng kiến như vậy hiện chưa được xem xét. Hamas không thể tách rời khỏi phong trào giải phóng dân tộc của người Palestine, trong khi Hezbollah là một lực lượng chính trị hùng mạnh của Liban, dù có ai thích hay không", ông Polyansky nói.
Hơn nữa, Nga duy trì đối thoại chính trị với cả hai nhóm trên. Năm 2021, người đứng đầu về chính trị của Hezbollah đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, và một phái đoàn Hamas đã đến thăm Moskva để đàm phán vào cuối tháng 10 vừa qua. Nga giải thích mối quan hệ của mình với Hamas là do nhu cầu duy trì liên lạc với tất cả các bên trong cuộc xung đột Palestine - Israel.
"Hội đồng Bảo an khó có thể thông qua nghị quyết về việc bổ sung Hamas hoặc Hezbollah [vào danh sách các nhóm khủng bố được chỉ định], vì Nga và Trung Quốc đang phản đối. Và đề xuất này khó có thể được đưa ra Đại hội đồng LHQ vì các nước ở Nam toàn cầu (các nước đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây) sẽ từ chối ủng hộ điều đó", Sergey Ordzhonikidze, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga và cựu Phó Tổng thư ký LHQ, chia sẻ với tờ Izvestia.
Hơn nữa, việc chỉ định Hamas và Hezbollah là các tổ chức khủng bố không chỉ hàm ý lên án về mặt đạo đức đối với một bên trong cuộc xung đột mà còn mở đường cho một cuộc tấn công quân sự quốc tế, ông Ordzhonikidze nhận định.