Nga đã từng đưa ra lời cảnh báo và yêu cầu tương tự vào hồi tháng 3. Sau đó, vào tuần trước, Moskva đã đồng ý gia hạn thêm 60 ngày Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Đây là một thỏa thuận về việc xuất khẩu và vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen giữa Nga và Ukraine, được ký kết hồi tháng 7/2022 do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Mục đích là cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng hàng hóa toàn cầu trầm trọng sau khi xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.
Trong tháng 3, Nga ưu tiên hai yêu cầu cụ thể: một là khởi động lại đường ống vận chuyển amoniac của Nga đến cảng Pivdennyi ở Biển Đen của Ukraine để xuất khẩu ra thị trường toàn cầu; hai là kết nối lại ngân hàng nông nghiệp của Nga (Rosselkhozbank) với mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT.
"Tại sao thực phẩm Ukraine tiếp tục được xuất khẩu thành công trong khi amoniac của Nga lại không được? Nếu Rosselkhozbank không được kết nối với SWIFT và không có tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề khác đang cản trở xuất khẩu nông sản của chúng tôi, thì 'Sáng kiến Biển Đen' cũng sẽ phải tìm đến các giải pháp thay thế", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố vào ngày 25/5.
Nga cho rằng ngũ cốc Ukraine nên tìm đường xuất khẩu bằng tuyến đường vận chuyển bằng đường bộ qua châu Âu như một giải pháp thay thế, song giải pháp này lại tốn kém đối với Ukraine.
Hồi tháng 6/2022, ngân hàng Rosselkhozbank đã bị Liên minh châu Âu (EU) chặn khỏi hệ thống SWIFT như một biện pháp trừng phạt Moskva. Một phát ngôn viên của EU cho biết khối này không xem xét việc khôi phục hoạt động của các ngân hàng Nga.
Để thuyết phục Nga cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, một hiệp ước ba năm cũng đã được ký kết vào tháng 7 năm ngoái, trong đó Liên hợp quốc đồng ý hỗ trợ Moskva thực hiện vận chuyển các lô hàng thực phẩm và phân bón.
Trong một tuyên bố ngày 24/5, bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) - người phụ trách việc thực thi thỏa thuận của LHQ với Nga, cho biết LHQ đang hợp tác với Ngân hàng xuất - nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) tạo một nền tảng giúp xử lý các giao dịch xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga sang châu Phi.
Trao đổi với hãng tin Reuters, bà Rebeca Grynspan cho rằng hiện tại chưa thể cải thiện tình trạng khủng hoảng hàng hóa, đồng thời khẳng định hai thỏa thuận trên là “phao cứu sinh đối an ninh lương thực” trên toàn thế giới. Bà Grynspan cũng cho biết bà đang hợp tác với Afreximbank để xây dựng một nền tảng giúp các quốc gia vừa và nhỏ ở châu Phi giải quyết tình trạng giao dịch bị gián đoạn cũng như tiếp cận ngũ cốc và phân bón của Nga. Nền tảng này cho phép các nước châu Phi đẩy nhanh việc thẩm định với khách hàng để đảm bảo không vi phạm các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Theo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, việc xuất khẩu amoniac được đảm bảo diễn ra một cách suôn sẻ. Tuy nhiên, đường ống được Nga sử dụng để bơm tới 2,5 triệu tấn amoniac hàng năm để xuất khẩu tới cảng Pivdennyi của Ukraine từ Togliati vẫn chưa được khởi động lại.
Bộ Ngoại giao Nga cũng phàn nàn rằng không hề có bất kỳ tiến triển nào đối với các yêu cầu lâu nay như cho phép máy móc nông nghiệp và phụ tùng thay thế được xuất khẩu đến Nga, dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tiếp cận các cảng cho tàu, hàng hóa của Nga, đồng thời dỡ bỏ phong tỏa tài khoản và hoạt động tài chính của các công ty phân bón Nga.