Các máy bay chiến đấu của Nga tại căn cứ quân sự ở tỉnh Latakia, miền tây bắc Syria ngày 16/2. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Đây là nhận định được Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vitaly Churkin đưa ra ngày 14/3 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh rút các lực lượng chính của LB Nga khỏi Syria từ ngày 15/3. Trao đổi với báo giới trước thềm cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về Syria, Đại sứ Churkin cho biết các nhà ngoại giao của Nga đã nhận được mệnh lệnh đẩy mạnh các nỗ lực để đạt được một giải pháp chính trị tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này.
Theo ông Churkin, lực lượng quân đội của Nga trong thời gian qua đã hoạt động hiệu quả. Quan chức này từ chối đề cập đến về khả năng Nga dừng tất cả các cuộc không kích, song khẳng định Moskva sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn được thực thi.
Trước đó một ngày, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng thống Putin đã bày tỏ tin tưởng các nhiệm vụ giao cho Bộ Quốc phòng nhìn chung đã được thực hiện, đồng thời ra lệnh các đơn vị chính của quân đội nước này rút ra khỏi CH Arab Syria từ ngày 15/3.
Ông Putin cũng hy vọng việc bắt đầu rút quân đội Nga khỏi Syria sẽ là kích thích tốt đối với tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở Syria. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời chỉ đạo Ngoại trưởng Lavrov tăng cường sự can dự của Moskva trong việc tổ chức tiến trình hòa bình tại Syria.
Trong phản ứng đầu tiên, Chính phủ Mỹ đã bày tỏ sự thận trọng trước quyết định rút quân bất ngờ của Nga. Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Washington sẽ phải xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các ý định của Nga.
Trong cuộc điện đàm giữa diễn ra cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc Tổng thống Putin gây sức ép với Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad ngừng mọi hoạt động quân sự có nguy cơ làm đổ vỡ lệnh ngừng bắn mong manh mới đạt được. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về “những bước đi tiếp theo” trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.
Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài nhiều năm qua đã làm hơn 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, tạo ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu. Các phe phái xung đột tại Syria trong ngày 14/3 cũng đã bắt đầu vòng đàm phán mới tại Geneva (Thụy Sĩ) do LHQ bảo trợ nhằm tìm lối thoát cho cuộc nội chiến sắp bước sang năm thứ 6 tại Syria.