Nga sẵn sàng hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ. Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Nga, được đưa ra ngày 19/4, cũng cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin đã gặp ứng cử viên tổng thống của Ukraine và là người đứng đầu phong trào Đông Nam, Oleg Sarev, tại Moskva.
Tuyên bố tóm tắt cuộc họp cho biết ông Karasin nói: “Nga lưu ý rằng vấn đề giải quyết khủng hoảng chính trị nội bộ cần phải được chính người dân Ukraine tự quyết định với sự hợp tác chặt chẽ với một phái bộ giám sát đặc biệt” của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Tuyên bố còn nhấn mạnh: “Nga đã chuẩn bị để thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất”.
Người biều tình ở miền đông-nam Ukraine. Ảnh:AFP/TTXVN |
Về phần minh, ông Sarev khẳng định muốn tiếp xúc trực tiếp với chính quyền hiện nay ở Kiev để giải thích lập trường của các khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine đối với các vấn đề cấp bách của xã hội Ukraine. Ông bày tỏ hy vọng sau hội nghị 4 bên về Ukraine tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 17/4, các bên có thể tìm được giải pháp và áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm giảm căng thẳng và khôi phục an ninh tại tất cả các khu vực.
Trước đó, trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân ngày 17/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng hợp tác với tất cả các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine.
Liên quan đến tình hình Ukraine, báo cáo của phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE công bố ngày 19/4 cho biết tình hình miền Trung và miền Tây Ukraine tương đối yên tĩnh trong khi tình hình ở tỉnh Lugansk và Donesk vẫn căng thẳng. Theo báo cáo trên, tình hình ở miền Đông vẫn căng thẳng do tình trạng đối đầu có vũ trang vẫn tiếp diễn. Báo cáo nêu rõ thỏa thuận Geneva hiện vẫn chưa bắt đầu được thực hiện, còn tại địa phương vẫn chưa có đủ thông tin về cơ chế thực hiện thỏa thuận.
Trong khi đó Nga và phương Tây đều hối thúc nhau thực hiện thỏa thuận đạt được tại Geneva. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngày 18/4, nhấn mạnh chính quyền Kiev cần phải thực hiện ngay thỏa thuận Geneva, theo đó chính quyền cần phải từ bỏ sử dụng vũ lực và mở đối thoại toàn dân về hiến pháp mới với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị và các khu vực, trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh những ngày sắp tới mang tính quyết định cho việc thực hiện thỏa thuận Geneva về Ukraine, theo đó tất cả các nhóm vũ trang phải bị giải giáp và các tòa nhà bị chiếm phải được trả lại cho chủ sở hữu.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, tuyên bố chỉ có chính quyền Kiev mới có thể làm yên lòng người dân miền Đông, nước Nga không thể ra lệnh cho họ bình tĩnh và giải tán. Ông bác bỏ cáo buộc nước Nga có liên quan tới những gì diễn ra tại miền Đông Ukraine.
Theo ông Peskov, lập trường của phương Tây về Ukraine là "đạo đức giả" và "luật pháp quốc tế chưa từng chứng kiến sự đạo đức giả nào tồi tệ hơn". Ông nhấn mạnh rằng những gì diễn ra ở Ukraine là một cuộc đảo chính bằng bạo lực và đã ngay lập tức được Mỹ và EU công nhận là hợp pháp. Đồng thời, ông cảnh báo nước Nga đã đặt ra những giới hạn đỏ không thể vượt qua.
Ông Peskov bày tỏ hy vọng tình hình Ukraine sẽ không đi tới chỗ cộng đồng quốc tế phải sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, nếu chính quyền Ukraine không có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Đông, khi đó cộng đồng quốc tế sẽ phải tìm cách giúp giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, cũng trong ngày 19/4, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách năng lượng Guenther Oettinger cho biết ông phản đối việc cắt các mối quan hệ khí đốt với Nga trong vài năm tới, nhưng cho rằng EU cần nghiên cứu việc đa dạng hóa nguồn cung. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Đức "Welt am Sonntag" (Thế giới ngày Chủ nhật), ông Oettinger thừa nhận có nguy cơ Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine, quốc gia trung chuyển quan trọng khí đốt cho châu Âu, do các hóa đơn chưa được thanh toán.
Tuy nhiên, ông Oettinger được dẫn lời nói: “Chúng tôi đồng ý rằng lĩnh vực khí đốt không nên là một ưu tiên trong các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể được áp đặt, cả từ phía châu Âu cũng như từ phía Nga”. Quan chức này cho biết ông “phản đối việc cắt giảm hoặc thậm chí ngừng quan hệ về khí đốt với Nga trong vài năm tới", song EU phải "theo đuổi chiến lược đa dạng hóa” nguồn cung khí đốt.
TTXVN/Tin tức