Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ lấy làm tiếc về thái độ của ban lãnh đạo thân phương Tây hiện nay ở Montenegro, khi họ cố tình phớt lờ tiếng nói của lương tâm và lý trí. Nga cho rằng Quốc hội Montenegro đã không đếm xỉa đến nguyện vọng của người dân nước này, thể hiện qua tỷ lệ nghị sĩ ủng hộ gia nhập NATO (46/81), và đây là một minh chứng cho thấy quốc gia này đang vi phạm tất cả các chuẩn mực mang tính nguyên tắc và dân chủ.
Phiên họp Quốc hội Montenegro tại Cetinje ngày 28/4 chính thức thông qua việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ảnh: EPA/TTXVN |
Nga cũng nêu rõ "căn cứ các tiềm năng của Montenegro, có thể thấy rõ NATO khó có thêm "giá trị gia tăng" thực sự đáng kể nào từ việc kết nạp Montenegro. Tuy nhiên, Moskva cũng không thể xem nhẹ các hậu quả chiến lược của bước đi này, và bởi vậy Nga cần tính đến các biện pháp bổ sung nhằm bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia. Nga cũng bảo lưu lập trường rằng việc mở rộng NATO đã dẫn đến gia tăng căng thẳng ở châu Âu. Điều này cũng được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề cập từ hồi tháng 2 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich tại Đức. Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh việc mở rộng NATO "đã dẫn đến tình trạng căng thẳng chưa từng có ở châu Âu trong suốt 30 năm qua".
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu phát biểu ngày 26/4 tại Hội nghị an ninh quốc tế Moskva lần thứ 6 cũng đã lên tiếng cho rằng các quốc gia khu vực Balkans cần tăng cường sức mạnh kiểm soát trong khu vực.
Bộ trưởng Shoigu cũng khẳng định NATO vẫn tiếp tục mở rộng "biên giới" tiến sát nước Nga là nhằm lôi kéo, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình và quyết định kết nạp thêm thành viên thứ 29 của liên minh quân sự này là bằng chứng mới nhất về mưu toan kể trên.
Với việc kết nạp thêm Montenegro, NATO sẽ hoàn tất sự hiện diện của mình ở vùng biển Adriatic sau khi Hy Lạp, Albania và Croatia đều đã là các nước thành viên của khối. Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic khẳng định việc nước này gia nhập NATO sẽ có tác động tích cực đối với sự ổn định của tình hình khu vực. Hiện có 26 trên tổng số 28 quốc gia NATO thông qua đề nghị gia nhập của Montenegro- nước chỉ có 620.000 dân nhưng nằm ở vị trí địa chiến lược tại khu vực Balkan. Đầu tháng này, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký nghị định thư kết nạp Montenegro vào NATO. Hai nước còn lại chưa phê chuẩn là Hà Lan và Tây Ban Nha.