Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai Ngoại trưởng đã thảo luận việc giải quyết tình hình tại Nagorny-Karabakh sau các nỗ lực hòa giải của Nga để tiến tới ngừng bắn hoàn toàn và chấm dứt mọi hành động thù địch ở khu vực xung đột này. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo thực thi các quy định trong tuyên bố ba bên mà các nhà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan đạt được ngày 9/11. Hai bên nhất trí rằng hiện vấn đề ưu tiên chính là hồi hương an toàn những người phải đi sơ tán và tị nạn, mở cửa giao thương kinh tế và giao thông trong khu vực, viện trợ nhân đạo và khôi phục cơ sở hạ tầng.
Ngoại trưởng Nga và Pháp cũng đã trao đổi quan điểm về các bước tiếp theo nhằm giải quyết lâu dài và toàn diện cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh vì lợi ích bình đẳng của các dân tộc Azerbaijan và Armenia trên cơ sở các nguyên tắc đã được nhất trí trong khuôn khổ Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Cùng ngày, Ngoại trưởng Lavrov cũng điện đàm với người đồng cấp Armenia Ara Ayvazyan về việc thực hiện các thỏa thuận giữa Nga, Armenia và Azerbaijan về Nagorny-Karabakh. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, hai bên đã thảo luận tình hình và triển vọng hợp tác giữa hai nước, cũng như lịch trình các cuộc tiếp xúc sắp tới. Hai quan chức ngoại giao cũng trao đổi quan điểm về việc thực hiện trên thực tế thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan đạt được ngày 9/11.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Pháp ngày 19/11 cho biết nước này muốn có sự giám sát của quốc tế đối với việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh, trong đó cụ thể là Nhóm Minsk đóng vai trò này. Theo một quan chức trong Văn phòng Tổng thống Pháp, nước này đang thúc đẩy sự giám sát quốc tế đối với lệnh ngừng bắn để những người phải rời bỏ nhà cửa trong những tuần gần đây được trở về nhà trong điều kiện an ninh tốt, đồng thời bắt đầu các cuộc đàm phán về quy chế của khu vực Nagorny-Karabakh.
Nga, Pháp và Mỹ là những nước đồng Chủ tịch Nhóm Minsk thúc đẩy giải quyết xung đột tại Nagorny-Karabakh, nhưng Pháp và Mỹ không tham gia thỏa thuận ngừng bắn mà Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký ngày 9/11 vừa qua. Theo thỏa thuận, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực tiền tuyến Nagorny-Karabakh và hành lang giữa khu vực này với Armenia nhằm giám sát lệnh ngừng bắn.
Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9 vừa qua đã gây thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người.