Trung Quốc và Nga phải mất đến hai thập kỉ mới nhận ra rằng những tổ chức dưới danh nghĩa “thúc đẩy dân chủ”, “nhân quyền” hoạt động trong nước là các tổ chức lật đổ do Bộ Ngoại giao Mỹ cùng các quỹ tư nhân (được Washington chỉ đạo) bơm tiền. Mục đích chính của các tổ chức phi chính phủ (NGO) này là thúc đẩy bá quyền Mỹ qua việc gây bất ổn tại hai quốc gia được xem là đối thủ thách thức quyền lực Mỹ. Joseph Nye - cha đẻ của thuyết “quyền lực mềm” từng đưa ra một định nghĩa nổi tiếng: “quyền lực mềm” là khả năng một quốc gia thuyết phục một quốc gia khác và/hoặc điều khiển các sự kiện mà không cần đến sức mạnh cứng hay sự cưỡng bức nhưng vẫn đạt được kết cục chính trị như mong muốn. Một trong những công cụ chủ yếu của quyền lực mềm hiện đại là “xã hội dân sự” mà ở đó các NGO giữ địa vị thống trị. Với sự hậu thuẫn tài chính của các cá nhân và tổ chức quyền lực trên thế giới, những NGO này sử dụng vỏ bọc “thúc đẩy dân chủ” và “nhân quyền” để thực thi các ý đồ của những nhà bảo trợ.
Có dấu hiệu về sự can dự của các NGO trong chiến dịch "Chiếm đóng Trung tâm" ở Hong Kong. Ảnh: Reuters |
“Đạo quân thứ năm” (*) của Washington đã kích động các cuộc “cách mạng sắc màu” tại một số nước thuộc không gian hậu Xô Viết, ví dụ như Gruzia (2003). Khi ông Vladimir Putin thắng cử Tổng thống năm 2012, Washington đã chỉ đạo “cánh quân” NGO lôi kéo hàng nghìn người biểu tình xuống đường, phản đối kết quả, cáo buộc ông Putin “đánh cắp” phiếu bầu. Tuy nhiên, chiến dịch tuyên truyền này của Mỹ đã không có tác dụng. Lý do nằm ở chỗ: 89% người dân Nga luôn ủng hộ nhà lãnh đạo Putin; 11% còn lại là những người nhìn nhận ông là người “mềm yếu” trước phương Tây, chứ không hẳn là chống đối.
Thế nhưng, việc Washington có khả năng đẩy “đạo quân thứ năm” xuống đường ở Moskva cũng có tác động đến những người “mụ mị” chính trị ở Mỹ và châu Âu. Họ mù quáng tin rằng, ông Putin “gian lận” phiếu bầu, rằng ông có “ý đồ” tận dụng quãng thời gian lãnh đạo ở Điện Kremlin để tái xác lập “Đế chế Xô Viết”.
Trung Quốc, nước luôn ám ảnh với khát vọng vươn lên giàu có, cũng là một điểm tiếp cận của Washington. Quỹ Rockefeller đang rất tích cực “hỗ trợ” những giáo sư Trung Quốc đang công tác, giảng dạy tại các trường Đại học ở lục địa, có tư tưởng thân Mỹ. Các tập đoàn lớn của Mỹ hoạt động ở Trung Quốc cũng thường tạo ra “các ban vô dụng” trong cơ cấu tổ chức, lôi kéo và bổ nhiệm người thân của giới lãnh đạo nắm quyền tại ban và trả những khoản lương cao cỡ tầm “giám đốc”. Bước đi này nhắm đến việc “thỏa hiệp” lòng trung thành của giai cấp lãnh đạo.
Tin tưởng rằng đã “thỏa hiệp” được bằng tiền, Washington liền đẩy các NGO ở Hong Kong tham gia vào các chiến dịch biểu tình phản đối chính quyền, với hy vọng biểu tình sẽ lan sang Trung Quốc đại lục. Truyền thông phương Tây thường mô tả “Chiếm đóng Trung tâm” là phong trào “ủng hộ dân chủ” để nói lên “khát vọng của người dân”. Thế nhưng điều mà họ không hề nói tới chính là việc, các thủ lĩnh biểu tình Benny Tai, Audrey Eu và Martin Lee đều là những người đứng đầu các tổ chức xã hội dân sự ở Hong Kong và có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Mỹ thông qua các NGO như Viện dân chủ Quốc gia (NDI); Quỹ hỗ trợ Dân chủ (NED).
Rốt cục thì Nga và Trung Quốc cũng nhận ra bản mặt thật của “đạo quân thứ năm”, dù nhiều người đặt câu hỏi Bắc Kinh và Moskva tại sao lại tỏ ra quá “nhẹ nhàng” trước các NGO do nước ngoài bơm tiền trong quãng thời gian dài đến vậy. Điều gì đến cũng phải đến: Nga và Trung Quốc đã có sự điều chỉnh chính sách nhằm hạn chế hoạt động lật đổ từ bên trong của “đạo quân thứ năm” do Mỹ điều hành.
Bất chấp tiếng nói phản đối từ những tổ chức “nhân quyền” phương Tây, Quốc hội Trung Quốc đã hoàn thành dự thảo (lần 2) Luật Quản lý các NGO nước ngoài, sớm thông qua trong thời gian tới. Bắc Kinh nhận thức rằng ngoài một số điểm “lợi”, NGO còn là công cụ phục vụ cho lợi ích nước ngoài, là thứ vũ khí “quyền lực mềm” để gây bất ổn trong nước và vì thế cần kiểm soát chặt chẽ. Tháng 7 vừa qua, Nga cũng đã có bước đi tương tự, khi chính quyền chính thức công bố danh sách “những NGO không được chào đón” và sẽ bị cấm cửa ở Nga. Trong đó chủ yếu là những “tên tuổi” lớn từ Mỹ như NDI, NED, Viện Xã hội mở Soros (OSI), Quỹ Mac Arthur, Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI)…
(*)
“Đạo quân thứ năm” là một khái niệm có nguồn gốc lịch sử, gắn với cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936 - 1939). Khi dẫn quân đánh chiếm thành Madrid, viên tướng Emilio Mol thuộc phái độc tài Francisco Franco nói rằng bên cạnh 4 đạo quân bao vây từ 4 hướng, còn có đạo quân thứ 5 ém sẵn trong thành phố, làm gián điệp, phá hoại ngầm và sẵn sàng nổi loạn. Về sau, “đạo quân thứ năm” được dùng để chỉ nội gián, lực lượng ngầm tay sai chuyên phá hoại tại chỗ.