Truyền thông nhà nước Nga dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này ngày 15/1 tuyên bố Nga quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở ký.
Thông cáo nêu rõ: "Do không mấy tiến triển trong quá trình đàm phán gỡ bỏ những rào cản đối với việc duy trì Hiệp ước Bầu trời Mở theo những điều kiện mới, Bộ Ngoại giao Nga được ủy quyền tuyên bố việc khởi động các thủ tục trong nước để Liên bang Nga rút khỏi hiệp ước này".
Theo báo Kommersant, Nga sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở 6 tháng sau khi thông báo các thành viên khác về quyết định này. Trước đó, vào ngày 22/11/2020, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, 6 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ý định ngừng tham gia hiệp ước này.
Sự kiện chính quyền Tổng thống Trump chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) đã tồn tại suốt 18 năm qua có thể xem là một mốc ảm đạm nữa đối với các nỗ lực xây dựng lòng tin an ninh cũng như cắt giảm vũ khí trên thế giới.
Nga và Đức đã lấy làm tiếc trước hành động của Mỹ, trong khi Trung Quốc chỉ trích việc Washington rút khỏi hiệp ước này, đồng thời cho rằng hành động của Mỹ sẽ làm ảnh hưởng xấu tới các nỗ lực kiểm soát vũ khí trong tương lai.
Người phát ngôn Dujarric khẳng định các bên tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết của mình và nhấn mạnh rằng những cam kết và biện pháp xây dựng lòng tin của các nước quan trọng hơn bao giờ hết.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép các quốc gia tham gia (34 quốc gia) công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên. Ngày 21/5/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ chuẩn bị rút khỏi thỏa thuận này và đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà nhà lãnh đạo này quay lưng kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017.
Ý tưởng cho phép các quốc gia công khai giám sát lẫn nhau được cho là để ngăn chặn những hiểu lầm, nghĩa là để đảm bảo với đối thủ tiềm tàng rằng quốc gia đó không có ý định tiến tới chiến tranh, qua đó hạn chế leo thang căng thẳng. Nó cũng mang lại trách nhiệm giải trình chung cho các quốc gia tuân theo những cam kết của hiệp ước. OST có thể xem là một trong những nỗ lực quốc tế trên phạm vi rộng nhất cho đến nay nhằm thúc đẩy tính công khai và minh bạch của các lực lượng và hoạt động quân sự.
Khái niệm "Giám sát nhau từ trên không" lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đề xuất với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) Liên Xô Nikolai Bulganin tại Hội nghị Geneva năm 1955. Tuy nhiên, phải đến khi Tổng thống Mỹ George H. W. Bush đề xuất sáng kiến này vào năm 1989, Hiệp ước Bầu trời mở mới được các nước thành viên lúc bấy giờ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Khối Hiệp ước Vácsava đàm phán. OST chính thức được ký kết tại Helsinki, Phần Lan, vào ngày 24/3/1992.
Theo hiệp ước này, các chuyến bay giám sát của mỗi quốc gia được dựa trên hạn ngạch, cả chủ động (quốc gia đó có thể tiến hành) và thụ động (quốc gia đó phải chấp nhận). Các loại máy bay và máy chụp ảnh được sử dụng phải đáp ứng các quy định cụ thể. OST quy định rõ các loại máy chụp hình, vị trí chính xác gắn chúng trên máy bay, độ phân giải của chúng, đồng thời trên chuyến bay có cả đại diện của nước giám sát cũng như nước bị giám sát…
Bên cạnh đó, Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa Mỹ và Nga cũng sẽ hết hạn vào tháng tới. Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất gia hạn New START ít nhất 1 năm mà không có điều kiện tiên quyết. Bộ Ngoại giao Nga sau đó tuyên bố Moskva sẵn sàng cùng Washington "đóng băng" kho vũ khí hạt nhân trong khoảng thời gian gia hạn này. Về phần mình, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden tuyên bố muốn gia hạn thỏa thuận, song chưa rõ thời hạn kéo dài là bao lâu.