Theo ông Naryshkin, Moskva đang nắm giữ sáng kiến chiến lược trong mọi khía cạnh của cuộc chiến và quân đội Ukraine đang trên bờ vực sụp đổ.
Cuộc xung đột tại Ukraine, bắt đầu từ năm 2022, đã trở thành một trong những thảm họa lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến 2.
Xung đột không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và của mà còn làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Mối quan hệ giữa hai bên hiện được xem là nghiêm trọng nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Ông Naryshkin nhấn mạnh rằng tình hình chiến trường hiện không ủng hộ Ukraine. Theo ông, Nga không chỉ kiểm soát một phần lớn lãnh thổ Ukraine, tương đương bang Virginia của Mỹ, mà còn đạt tốc độ tiến quân nhanh nhất kể từ những ngày đầu cuộc xâm lược. Các cuộc giao tranh khốc liệt tiếp tục diễn ra ở khu vực phía đông Ukraine, đặc biệt tại Kurakhove và Toretsk.
Phát biểu này phản ánh tư duy của những lãnh đạo cấp cao trong Điện Kremlin, nơi coi cuộc chiến này là một phần trong cuộc xung đột lớn hơn giữa Nga và phương Tây.
Trong bối cảnh chiến sự leo thang, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 8/12 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và tiến hành đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Ông Trump cam kết sẽ nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột ngay khi quay trở lại Nhà Trắng. Ông được cho là sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Putin để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, dù Moskva loại trừ khả năng nhượng bộ về lãnh thổ.
Trong khi đó, Tổng thống Zelenskiy đã kêu gọi giải pháp ngoại giao, bao gồm triển khai lực lượng quốc tế tại Ukraine để đảm bảo an ninh trong giai đoạn nước này gia nhập NATO. Tuy nhiên, yêu cầu này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Nga, nước coi tham vọng NATO của Ukraine là mối đe dọa chiến lược.
Moskva khẳng định rằng một thỏa thuận hòa bình chỉ khả thi nếu Ukraine từ bỏ yêu cầu gia nhập NATO và chấp nhận Nga kiểm soát bốn khu vực mà lực lượng nước này đang quản lý.
Phương Tây và Ukraine phản đối, đồng thời cảnh báo rằng nếu Nga giành chiến thắng, điều này sẽ khuyến khích các hành động gây hấn tương tự từ các đối thủ khác trên toàn cầu.
Xung đột tại Ukraine bắt nguồn từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea sau cuộc Cách mạng Maidan tại Kiev.
Xung đột sau đó leo thang với sự hỗ trợ của Nga dành cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine. Đến nay, xung đột này vẫn chưa có hồi kết, kéo theo hàng loạt hậu quả chính trị, kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng.