Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin sau cuộc đối thoại với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo rằng Mỹ sẽ không thu được thêm lợi thế nào trong đàm phán qua hành động phá hoại và lệnh trừng phạt.
Ngoại trưởng Zarif nêu rõ: “Người Mỹ nên nhận thức được rằng lệnh trừng phạt và hành động phá hoại sẽ không thể đem đến cho họ thêm công cụ đàm phán và những động thái này sẽ chỉ khiến tình huống thêm khó khăn cho họ”.
Trước đó, ngày 11/4, Iran tuyên bố nhà máy hạt nhân Natanz bị "tấn công khủng bố" sau khi xảy ra mất điện ở cơ sở này. Truyền thông Israel dẫn nguồn giấu tên cho biết cơ quan tình báo Mossad đứng sau vụ tấn công. Tờ The New York Times (Mỹ) cũng dẫn nguồn giấu tên đánh giá “có vai trò Israel” trong vụ việc. Israel chưa phủ nhận và cũng không thừa nhận trước cáo buộc này.
Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định Moskva vẫn mong đợi Washington quay trở lại đàm phán hạt nhân với Tehran. “Chúng tôi kỳ vọng vào thực tế rằng có thể cứu thỏa thuận và Washington sẽ quay trở lại tuân thủ và thực thi nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ)”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga cũng phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt lên 8 quan chức an ninh Iran với lập luận rằng diễn biến này ảnh hưởng đến nỗ lực khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015.
Ông Lavrov đề cập: “Tôi hy vọng rằng các đồng nghiệp châu Âu hiểu những hành động như vậy là không chấp nhận được và họ sẽ có biện pháp để đàm phán không chệch hướng”.
Trước lệnh trừng phạt của EU, Iran ngày 12/4 tuyên bố sẽ ngưng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như “chống khủng bố, buôn ma túy và tị nạn”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng cần có điều kiện tiên quyết là Iran đảm bảo tuân thủ các cam kết thì Mỹ mới cân nhắc về việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Tehran yêu cầu Washington nới lỏng lệnh trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Cả Iran và Mỹ chưa thể thống nhất được phía nào sẽ có động thái đầu tiên.