Nhà thờ được xây dựng với chủ đề chính là kỷ niệm 75 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tính đến đỉnh cây thánh giá, nhà thờ hùng vĩ này cao 95m. Đường kính mái vòm chính của nhà thờ là 19,45m tượng trưng cho năm kết thúc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1945). Chiều cao của tháp chuông là 75m vì năm 2020 đánh dấu 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II. Chiều cao mái vòm nhỏ là 14,18m tượng trưng cho 1.418 ngày đêm của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. “Con đường tường niệm” cũng gồm 1.418 bước đi đến chiến thắng và là quần thể bảo tàng ấn tượng, ghi lại lịch sử từng ngày, đêm của cuộc chiến tranh.
Cũng nhân dịp này, 7 chiến sĩ Việt Nam từng tham gia Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống phát xít Đức đã được trang trọng đưa vào cơ sở dữ liệu của tổ hợp bảo tàng “Con đường tưởng niệm” để khách tham quan có thể truy cập, tra cứu.
Những người con Việt Nam này gồm: Lê Phan Chăn (bí danh Lý Phú San) sinh ngày 01/6/1900 tại Tân Ước, Thanh Oai, Hà Đông (nay là TP. Hà Nội); Đinh Trường Long (bí danh Lý Văn Minh) sinh năm 1910 tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; Vương Thúc Thoại (bí danh Lý Thúc Chất) sinh năm 1910, tại Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Vương Thúc Liên (bí danh Vương Thúc Tình) sinh năm 1903, tại Làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Hoàng Thế Tư (bí danh Lý Anh Tạo) sinh năm 1910, tại Làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Sinh Thân (bí danh Lý Nam Thanh) sinh năm 1908, tại Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Ngô Chí Thông (bí danh Lý Chí Thông) sinh năm 1910 tại xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Trong số này, 5 ông Lê Phan Chăn, Vương Thúc Thoại, Vương Thúc Liên, Hoàng Thế Tư, và Nguyễn Sinh Thân đã được nhà nước Xô Viết tặng thưởng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng nhất theo quyết định của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên xô ngày 12/12/1986 và có bảng lưu danh tại bảo tàng “Con đường tưởng niệm”. Ngoài ra, họ còn được truy tặng Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng.
Được biết năm 1926, theo sáng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, một số thanh niên Việt Nam yêu nước đã được gửi sang Liên Xô học tập. Khi Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, một số trong nhóm này đã quyết định gia nhập Hồng quân Liên Xô chiến đấu anh dũng chống lại phát xít Đức và hầu hết đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ thủ đô Moskva năm 1941. Đến nay, nhờ những nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, các cơ quan chức năng và bạn bè Nga, đã xác định được tên, tuổi 7 người con đất Việt này.
Phát biểu với các phóng viên, Đại sứ Ngô Đức Mạnh bày tỏ cảm thấy vinh dự được tới thăm công trình có ý nghĩa quan trọng này. Ông cho biết: “Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã phối hợp với các cơ quan Việt Nam và các cơ quan LB Nga, Bộ Quốc phòng Nga để thu thập các thông tin, tư liệu bổ sung. Hôm nay chúng tôi rất vui mừng vì tên tuổi của 2 chiến sĩ nữa, tổng cộng là 7 người được biết đến. Đó là những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, những thanh niên ưu tú của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Liên Xô học tập … và họ đã chiến đấu anh dũng cùng với lực lượng Hồng quân Liên Xô. Chúng tôi rất tự hào về chiến công của các chiến sĩ cộng sản Việt Nam cùng với Hồng quân Liên Xô đã bảo vệ được thủ đô Moskva và từng bước chiến thắng phát xít Đức. Đây là tình đoàn kết quốc tế vô sản của chúng ta. Tình bạn chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại".
75 năm đã trôi qua, việc vinh danh 7 chiến sĩ Việt Nam chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại tại “Con đường tưởng niệm” không chỉ mãi mãi ghi lại những đóng góp xương máu của họ trong nỗ lực chống phát xít mà còn là minh chứng rõ nét về tình đoàn kết, hữu nghị bền lâu giữa nhân dân hai nước Việt Nam - LB Nga.