Đài RT dẫn lời Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), ông Pyotr Tolstoy cho hay, Hạ viện Nga đang lên kế hoạch thảo luận về khả năng nước này rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Bộ Ngoại giao đã gửi một danh sách các thỏa thuận như vậy tới Duma Quốc gia, và cùng với Hội đồng Liên bang (Thượng viện), chúng tôi đang lên kế hoạch đánh giá, sau đó đề xuất rút khỏi họ” ông Tolstoy cho biết ngày 17/5.
Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga nói rằng Nga đã hủy bỏ tư cách thành viên của mình trong Hội đồng Châu Âu, và rời khỏi WTO và WHO sẽ là hành động tiếp theo.
“Nga đã rút khỏi Hội đồng châu Âu, bây giờ bước tiếp theo là rút khỏi WTO và WHO, những tổ chức đã bỏ qua tất cả các nghĩa vụ liên quan đến đất nước chúng tôi”, ông Tolstoy tuyên bố.
Quan chức này nói thêm rằng chính phủ dự kiến sẽ sửa đổi các nghĩa vụ và hiệp ước quốc tế của Nga hiện không mang lại bất kỳ lợi ích nào mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho đất nước.
Hồi tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng những lệnh hạn chế "bất hợp pháp" do các quốc gia phương Tây đặt ra nhằm vào các công ty Nga là trái với các quy định của WTO và yêu cầu chính phủ cập nhật chiến lược của Nga trong tổ chức quốc tế này trước ngày 1/6.
"Các biện pháp (trừng phạt) này đi ngược lại các nguyên tắc của WTO, mà các đồng nghiệp châu Âu đã liên tục nhắc lại sự tuân thủ của họ", ông Putin nói.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng lên Moskva để đáp trả hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine từ cuối tháng 2. Kể từ đó, Nga đã phải chịu khoảng 10.000 hạn chế có mục tiêu, khiến nước này trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã quyết định rút khỏi Hội đồng Các quốc gia Biển Baltic (CBSS).
"Nhằm phản ứng trước các hành động thù địch, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gửi thông báo tới các bộ trưởng của các quốc gia thành viên CBSS, Cao ủy EU về Chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, cũng như Ban thư ký Hội đồng tại Stockholm về việc Nga rút khỏi tổ chức này", Bộ Ngoại giao Nga cho hay trong một thông báo.
Bộ này cũng cho biết quyết định trên không ảnh hưởng đến sự hiện diện của Nga trong khu vực và nhận định thêm rằng những nỗ lực nhằm loại bỏ Nga khỏi khu vực Baltic "sẽ thất bại" bởi Moskva sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác có trách nhiệm.
"Tình hình trong Hội đồng Các quốc gia Biển Baltic đang xấu đi. Các nước NATO và EU trong Hội đồng đã từ chối những cuộc đối thoại bình đẳng và những nguyên tắc xây dựng nên cấu trúc khu vực Baltic. Họ đang dần biến hội đồng này thành một công cụ chính trị chống Nga. Những quyết định bất hợp pháp và phân biệt đối xử được đưa ra đã vi phạm nguyên tắc đồng thuận. Nga đã bị 'cấm' tham gia vào các dự án của Hội đồng trong khi Belarus bị dừng tư cách là quan sát viên".
CBSS là một diễn đàn chính trị cho hợp tác khu vực gồm 11 quốc gia thành viên (trong đó có Đức, Phần Lan, Na Uy) cùng Liên minh châu Âu.
Cùng ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã trục xuất 2 nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Phần Lan ở Moskva để trả đũa việc Helsinki quyết định trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga trước đó.