Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trên tài khoản Telegram, Phó Đại diện thường trực Nga Dmitry Polyanskiy viết: "Trước những thông tin mới liên quan đến vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc, chúng tôi đã yêu cầu một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 22/2 lúc 15h00 (giờ New York), tức 23h (giờ Moskva)".
Trong khi đó, hãng tin TASS dẫn thông báo của Đại sứ quán Nga tại Mỹ nêu rõ, vụ phá hoại hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 hồi tháng 9 năm ngoái là hành động "khủng bố quốc tế" và Moskva sẽ không để vụ việc này bị chìm vào quên lãng. Thông báo cũng cho rằng Mỹ cần chứng minh rằng không liên quan đến vụ phá hoại hệ thống đường ống nối giữa Nga và châu Âu.
Những tuyên bố của Nga được đưa ra trong bối cảnh nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ Seymour Hersh mới đây cho rằng Washington đứng sau vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo thông tin đăng trên blog cá nhân của nhà báo Hersh, các thợ lặn thuộc lực lượng Hải quân Mỹ với sự giúp đỡ của Na Uy đã cài chất nổ trên các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy dưới biển Baltic giữa Nga và Đức vào tháng 6/2022. Các vụ nổ xảy ra sau đó 3 tháng đã làm hư hại hệ thống đường ống dẫn này.
Trong một phản ứng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 15/2 đã bác bỏ cáo buộc này. Phát biểu họp báo, ông Price nêu rõ: "Thông tin cáo buộc Mỹ đứng sau những gì đã xảy ra với Dòng chảy phương Bắc hoàn toàn là thông tin xuyên tạc".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết nước này không tiến hành điều tra vụ việc vì vụ nổ không xảy ra trên lãnh thổ Mỹ. Do vậy, công việc điều tra là thuộc các quốc gia có thẩm quyền pháp lý đối với vụ việc này. Ông Price cũng từ chối bình luận về đề xuất của Nga đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an LHQ ngày 22/2.
Chính phủ Mỹ đã nhiều lần phủ nhận có liên quan đến vụ nổ các đường ống dẫn dầu của Nga, trong khi Chính phủ Nga nói rằng Washington nên tự giải thích và cần tiến hành một cuộc điều tra công khai về vụ nổ.
Sau các vụ nổ lớn hồi tháng 9/2022, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Trong số này, hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch. Các nước phương Tây và Nga đã đổ lỗi cho nhau về các vụ nổ này. Tuy nhiên, các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch và Đức thực hiện đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào.