Ngăn đà ảnh hưởng của Trung Quốc, Washington thúc đẩy thương mại với Mỹ Latinh

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động thương mại với các nước Mỹ Latinh nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden trò chuyện với người đồng cấp Chile, Gabriel Boric Font tại Nhà Trắng ngày 2/11. Ảnh: PBS

“Thực sự không có lý do gì khiến bán cầu này không trở thành bán cầu Dân chủ thịnh vượng nhất thế giới. Chúng tôi có mọi thứ để làm được điều đó”, Tổng thống Biden nói với người đồng cấp Chile Gabriel Boric Font trong một cuộc gặp ngày 2/11.

Theo hãng tin AP, vào ngày 3/11, Tổng thống Biden sẽ chào đón các nhà lãnh đạo quốc gia từ Tây bán cầu tới tham dự hội nghị Hiệp định Đối tác vì sự thịnh vượng kinh tế ở châu Mỹ (APEP). Năm ngoái, khi công bố về hội nghị này, Tổng thống Biden nhấn mạnh mục tiêu của sự kiện là mở rộng liên minh của Mỹ trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga.

Về phần mình, Tổng thống Chile Boric cho biết ông sẽ thảo luận các vấn đề di cư và phát triển với người đồng cấp Biden, đồng thời cho biết cả hai đều có chung mục tiêu là tôn trọng nhân quyền và đấu tranh cho dân chủ.

Trong bài phát biểu ngày 2/11 tại Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã vạch ra các mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden. Cụ thể, Mỹ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các đối tác và đồng minh đáng tin cậy, một chiến lược mà nữ quan chức cho rằng có những lợi ích tiềm năng to lớn để thúc đẩy tăng trưởng ở châu Mỹ Latinh và Caribe.

Nữ quan chức cho biết các doanh nghiệp Mỹ Latinh sẽ ngày càng có cơ hội dẫn đầu trong các lĩnh vực năng lượng sạch mới, chẳng hạn như giúp tạo ra chuỗi cung ứng dọc bằng cách sử dụng lithium được chiết xuất tại địa phương trong sản xuất pin địa phương.

“Các công ty thiết bị y tế và dược phẩm có thể phát triển và đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, cũng như những công nhân lành nghề có thể sản xuất chip ô tô cần thiết cho xe điện”, Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh.

Trước đây, Bộ trưởng Yellen thường xuyên nói về chiến lược “kết bạn” của Mỹ nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng đối tác với các quốc gia thân thiện thay vì các đối thủ địa chính trị như Trung Quốc.

Theo một báo cáo phân tích của Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, vào năm 2022, thương mại của Mỹ Latinh và Caribe với Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục, xuất khẩu khoảng 184 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc và nhập khẩu khoảng 265 tỷ USD hàng hóa từ quốc gia châu Á này.

Bên cạnh đó, quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia Mỹ Latinh và Trung Quốc cũng khăng khít hơn. Hồi tháng 3 năm nay, theo bước El Salvador, Nicaragua, Panama và Cộng hòa Dominica, Honduras đã chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

IDB là tổ chức cho vay đa phương lớn nhất đối với châu Mỹ Latinh. Đơn vị này hỗ trợ các dự án mới thông qua các khoản tài trợ, cho vay và các chương trình mới. Mỹ là cổ đông lớn nhất của ngân hàng với 30% quyền biểu quyết. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ ngày càng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại ngân hàng này. Mặc dù siêu cường châu Á nắm giữ chưa đầy 0,1% quyền biểu quyết nhưng lại nắm giữ cổ phần kinh tế lớn ở một số quốc gia thành viên của ngân hàng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, Chủ tịch IDB Ilan Goldfajn cho biết cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là thành viên có ảnh hưởng lớn nhất đến ngân hàng.

“Bất cứ khi nào chúng tôi có một công ty Mỹ tham gia quá trình đấu thầu, xác suất thắng thầu là 70 đến 80%. Vì vậy, chúng tôi mong muốn là có nhiều công ty Mỹ tham gia hơn nữa. Nếu các bạn không tham gia, điều này sẽ mở ra cơ hội cho bất kỳ ai đầu tư vào châu Mỹ Latinh”, Chủ tịch Ilan cảnh báo.

Trong năm 2023, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất Đạo luật minh bạch Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính đưa ra báo cáo hai năm một lần về phạm vi, quy mô ảnh hưởng và sự tham gia của Trung Quốc trong tất cả các khía cạnh của ngân hàng, bao gồm danh sách các ngân hàng Trung Quốc, các dự án được tài trợ và một kế hoạch hành động của Mỹ nhằm giảm quy mô tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, dự luật này vẫn chưa được thông qua.

Trong năm 2024, khi Brazil đảm nhận vai trò chủ tịch G20, châu Mỹ Latinh sẽ là khu vực được chú trọng nhiều hơn nữa. Một quan chức Bộ Tài chính giấu tên tiết lộ nữ Bộ trưởng Yellen sẽ tích cực công du tới Nam Mỹ và Mỹ Latinh trong năm 2024.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP)
EU tìm cách lấy lại ảnh hưởng ở Mỹ Latinh
EU tìm cách lấy lại ảnh hưởng ở Mỹ Latinh

Khi các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đến Bỉ dự hội nghị thượng đỉnh với EU trong 2 ngày (17-18/7), các lãnh đạo châu Âu thừa nhận rằng họ thiếu quan tâm đối với khu vực này trong những năm gần đây và sự kiện trên là cơ hội để mối quan hệ giữa hai bên sang một trang mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN