Theo đài RT (Nga), Ngân hàng Trung ương Nga đã chuẩn bị cho kịch bản leo thang các biện pháp trừng phạt của phương Tây từ năm 2014 và đang thúc đẩy các quỹ bổ sung, tạo thành “hàng rào” đối phó với các hạn chế đối với dự trữ ngoại hối trong tương lai.
Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng cường đầu tư vào các tài sản không thể bị các quốc gia không thân thiện ngăn chặn và chuyển một phần dự trữ sang vàng, nhân dân tệ Trung Quốc và ngoại tệ tiền mặt, cơ quan quản lý đã công bố trong báo cáo thường niên.
Báo cáo cho biết Ngân hàng Trung ương Nga đã cất giữ hàng tỷ USD nhập khẩu mà không nêu rõ số tiền tích lũy. Dự trữ thay thế bằng USD và vàng miếng cũng đã được dự trữ trong kho của ngân hàng trung ương.
“Vùng đệm an toàn này được tạo ra dưới dạng dự trữ thay thế - ít thanh khoản hơn và thuận tiện hơn trong cuộc sống hàng ngày, nhưng đáng tin cậy hơn khi đối mặt với một kịch bản địa chính trị khó khăn”, cơ quan quản lý giải thích.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ không thể từ bỏ dự trữ bằng USD và euro, vì các loại tiền này được sử dụng để thanh toán trong thương mại quốc tế, cũng như trong lĩnh vực tài chính trong nước.
“Do đó, cơ cấu dự trữ ngoại hối cần phải tính đến nhu cầu của người dân và doanh nghiệp,” cơ quan quản lý kết luận.
Ông Viktor Tunyov, nhà phân tích trưởng của Ingosstrakh-Investment, bày tỏ Ngân hàng Trung ương Nga có thể đã chi một phần số tiền này cho các ngân hàng trong làn sóng trừng phạt đầu tiên của phương Tây để ổn định hệ thống ngân hàng của Nga, bù đắp cho việc rút USD và euro của “những người gửi tiền hoảng loạn”.
Theo một số ước tính, năm ngoái, người gửi đã rút gần 20 tỷ USD từ VTB – ngân hàng lớn thứ hai của đất nước.
Năm 2022, Nga đã phải hứng chịu hàng các lệnh trừng phạt kinh tế sâu rộng của phương Tây, bao gồm việc loại Ngân hàng Trung ương Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, đóng băng khoảng 300 tỉ USD dự trữ ngoại hối. Nga đã chỉ trích việc tịch thu tài sản của nước này, cáo buộc hành động này “cấu thành hành vi trộm cắp”.
Kể từ Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt 10 gói trừng phạt nhằm vào Moskva, trong đó có những biện pháp được xem là khắc nghiệt nhất đối với một quốc gia nước ngoài.
Theo EU, các biện pháp trừng phạt của khối nhằm mục đích cắt giảm doanh thu của Nga và khả năng tiếp cận công nghệ của Điện Kremlin. Dù vậy, một số báo cáo của Nghị viện châu Âu cho rằng tác động “sẽ không đủ mạnh để hạn chế khả năng tiến hành chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trong năm 2023”.
Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế Nga sẽ càng trở nên mạnh mẽ và độc lập hơn trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Chúng ta đã nhiều lần phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế. Rốt cuộc, đối thủ đã tính toán điều gì? Rằng chúng ta sẽ sụp đổ sau 2 - 3 tuần hay trong một tháng? Đó là những gì họ đang tính đến. Họ cho rằng các doanh nghiệp, các đối tác sẽ đến với chúng ta rồi dừng lại, từ chối hợp tác với chúng ta, hệ thống tài chính sẽ sụp đổ và hàng nghìn, hàng vạn người sẽ mất việc làm, sẽ xuống đường biểu tình, rồi chúng ta sẽ sụp đổ từ bên trong”, ông nói.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh những kịch bản trên đã không xảy ra. Thực tế, nền tảng cơ bản cho sự ổn định của Nga vững chắc hơn rất nhiều so với bất kỳ sự tưởng tượng nào của đối phương.
Trước đó, hôm 21/2, trong Thông điệp liên bang lần thứ 18 đọc trước hai viện Quốc hội Nga, Tổng thống Putin cũng khẳng định nền kinh tế quốc gia vẫn đứng vững trước các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ các nước phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho người dân nước này nhưng không đạt được mục đích “đánh bại Nga trên mặt trận kinh tế”.