Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi hồi đầu tháng 10, EU thông báo cho Chính phủ Campuchia rằng họ đã bắt đầu quá trình tạm thời thu lại các ưu đãi thương mại nằm trong cơ chế “Tất cả mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) dành cho Campuchia, viện dẫn những lo ngại liên quan tới cuộc bầu cử hồi tháng 7/2018 tại nước này.
Trong một bức thư gửi cho Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom hôm thứ Bảy và phát trên các phương tiện truyền thông hôm thứ 22/10, Tổng thư ký GMAC Ken Loo cho biết khoảng 1.000 nhà máy sản xuất hàng may mặc và giày dép ở Campuchia đang tuyển dụng khoảng 700.000 công nhân, với hơn 85% là lao động nữ đến từ các khu vực nông thôn.
GMAC cũng đưa ra ước tính rằng khoảng 2 triệu người Campuchia trên tổng dân số 16 triệu của nước này phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất hàng may mặc. Mỗi tháng, các công ty và nhà máy chi ra khoảng 150 triệu USD để trả lương cho số lao động nêu trên.
Viện dẫn những số liệu này, ông Ken Loo nói rằng việc EU tạm ngưng EBA hoặc bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương ngắn hạn nào cũng có thể đem đến những tác động tiêu cực lâu dài đến cuộc sống của người lao động và gia đình của họ. Do vậy, GMAC kêu gọi EU hãy “hành động cẩn trọng và đưa ra quyết định thấu đáo". GMAC cũng tỏ ra sẵn sàng cung cấp những thông tin chi tiết hơn bất cứ khi nào EU yêu cầu trong quá trình giám sát của khối này.
EU là một đối tác thương mại quan trọng của Campuchia, nhất là đối với ngành may mặc và giày dép của nước này. Ông Ken Loo cho biết thêm rằng hơn 46% tổng lượng xuất khẩu hàng may mặc và giày dép của Campuchia là sang EU. Theo số liệu thống kê chính thức của EU, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang khối này đạt 5,77 tỷ USD trong năm 2017.