Theo đó, những dự án nghiên cứu đầu tiên nhằm giúp hiểu hơn về virus SARS-CoV-2 đã được triển khai.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu liên bang Đức (BMBF) Anja Karliczek cho biết chưa bao giờ có nhiều công cụ được huy động cho nghiên cứu khoa học như trong đại dịch COVID-19. Số tiền 45 triệu euro sẽ giúp nghiên cứu các chiến lược và liệu pháp hiệu quả chống virus SARS-CoV-2 cũng như dịch bệnh. Khoản tiền này được chi cho gần 90 dự án nổi bật, trong đó có chiến lược phòng ngừa thông qua nghiên cứu vaccine và những phương thuốc điều trị bệnh hiệu quả.
Bà Karliczek cho biết các dự án được tài trợ bao trùm một phạm vi khoa học rộng lớn, từ nghiên cứu cơ bản lâm sàng đến phân tích các vấn đề đạo đức, pháp lý và xã hội liên quan đến đại dịch. Nghiên cứu cũng nhằm làm rõ những tác động của các quyết định chính trị đối với xã hội trong đại dịch. Bên cạnh đó còn có dự án nghiên cứu hiệu quả điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng huyết tương từ những bệnh nhân đã khỏi bệnh, và nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố di truyền như nhóm máu đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Phát biểu với báo chí Đức về vaccine phòng SARS-CoV-2, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cho biết hiện có trên 20 loại chế phẩm đang được thử nghiệm lâm sàng, đồng thời bày tỏ hy vọng thử nghiệm thành công một số vaccine này để có thể sản xuất đại trà vào giữa năm 2021.
Liên quan tình hình dịch bệnh tại Đức, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết trong ngày 20/7 có thêm 249 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Đức lên trên 201.800 người. Hiện số người khỏi bệnh ở Đức là gần 190.000 người và đã có trên 9.000 trường hợp tử vong.
Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 20/7, Ngân hàng phát triển mới (NDB) của khối BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã phê duyệt khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho Brazil nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Mỹ này giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với lĩnh vực kinh tế.
Khoản vay trên dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho hơn 5 triệu lao động phi chính thức, cũng như các gia đình có thu nhập thấp và người thất nghiệp thông qua một chương trình thanh toán viện trợ khẩn cấp của Chính phủ Brazil.
Theo ngân hàng NDB, khoản hỗ trợ này có thể sẽ được các tổ chức tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ tăng cường thêm trong thời gian tới, nâng tổng số tiền Brazil được vay vào khoảng 4 tỷ USD.
Bộ Kinh tế Brazil cho biết các khoản thanh toán khẩn cấp cho những người lao động không chính thức, có mức lương thấp do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ lên tới 254 tỷ real (48 tỷ USD), gấp đôi mức chi tiêu ước tính.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ dự báo triển vọng kinh tế năm 2020 của Brazil, theo đó nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này sẽ suy giảm 6,2% trong năm nay, mạnh hơn mức dự báo giảm 5,2% đưa ra trước đó, đồng thời cảnh báo rằng sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế này bị ảnh hưởng lớn bởi khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19.
Brazil hiện là "điểm nóng" COVID-19 lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với hơn 2 triệu ca nhiễm và gần 80.000 ca tử vong.