Hiện các công đoàn đang thúc giục chính quyền liên bang và cấp tỉnh giảm bớt lập trường cứng rắn về tiêm chủng bắt buộc.
Đối với các bệnh viện và nhà dưỡng lão, tình trạng thiếu nhân lực sẽ gây căng thẳng cho lực lượng lao động vốn đã quá tải khi phải gồng gánh gần 2 năm đại dịch.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm lao động, Quebec - tỉnh có diện tích lớn nhất Canada và đứng thứ hai về dân số - đã công bố khoản tiền thưởng lên tới 18.000 CAD (hơn 14.200 USD) dành cho các y tá làm việc toàn thời gian. Người đứng đầu ngành y tế tỉnh Quebec, Christian Dubé, cho biết chỉ 60% y tá trong hệ thống công làm việc toàn thời gian. Ông Christian Dubé hy vọng các biện pháp khuyến khích sẽ thuyết phục thêm 15% y tá (trong hệ thống công) làm việc toàn thời gian và thu hút khoảng 4.300 y tá trở lại hệ thống. Trong những tháng gần đây, một số phòng khám cấp cứu trong tỉnh Quebec đã buộc phải đóng cửa tạm thời, cắt giảm giờ làm do thiếu nhân sự kể từ đầu đại dịch.
Chính quyền tỉnh Quebec và British Columbia đã yêu cầu các nhân viên y tế và đội ngũ y tá bắt buộc phải được tiêm vaccine để tiếp tục làm việc. Ông Christian Dubé cho biết khoảng 25.000 nhân viên y tế chưa được tiêm chủng đầy đủ trước thời hạn ngày 15/10.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuần trước đã công bố một trong những chính sách tiêm chủng bắt buộc được cho là cứng rắn nhất thế giới, theo đó yêu cầu các công chức phải tiêm phòng trước cuối tháng này hoặc buộc phải nghỉ làm không lương. Cũng theo quy định mới, từ ngày 30/10, hành khách phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng, trước khi lên máy bay, tàu hỏa hoặc tàu thủy.
Trong khi đó, làn sóng sa thải đã xuất hiện. Hồi tuần trước, một bệnh viện ở miền Nam Ontario đã cho 57 nhân viên, chiếm 2,5% nhân sự, nghỉ việc, sau khi quy định về tiêm chủng bắt buộc có hiệu lực. Một cơ sở chăm sóc dài hạn ở Toronto đã cho 36% nhân viên của mình nghỉ không lương sau khi họ từ chối tiêm vaccine.
Tỉnh British Columbia mới đây đã thay đổi thời hạn, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tiêm mũi vaccine thứ hai. Tiến sĩ Bonnie Henry, quan chức y tế của tỉnh, lý giải rằng biện pháp này là nhằm giải quyết thực trạng nguồn lực chăm sóc y tế hạn chế.
Liên minh Dịch vụ công Canada (PSAC), đại diện cho 215.000 lao động, cho biết công đoàn ủng hộ quan điểm về tiêm chủng của chính phủ, nhưng không nên đưa ra các biện pháp cứng rắn đối với thành viên của PSAC chưa tiêm chủng, đặc biệt khi có các phương án làm việc từ xa không gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của người lao động.