Bộ Y tế Israel cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, theo đó tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này là 15 người. Nạn nhân thứ 15 là một cụ bà 84 tuổi được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế Shaare Zedek ở Jerusalem 6 ngày trước đó. Israel cũng ghi nhận 74 ca vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, trong đó có một thanh niên 22 tuổi không có bệnh nền.
Bác sỹ Vered Ezra, người đứng đầu bộ phận quản lý y tế của Bộ Y tế Israel đã cảnh báo ngành y tế nước này cần phải chuẩn bị để đối phó với tình huống khoảng 5.000 ca mắc COVID-19 cần máy trợ thở. Đã có nhiều ý kiến lo ngại ngành y tế Israel có thể không có đủ máy trợ thở cho tất cả các bệnh nhân nặng.
Tại Jordan, Bộ trưởng Y tế Saad Jaber ngày 29/3 đã xác nhận ca tử vong thứ hai do COVID-19 trong số 259 ca mắc bệnh cho đến nay ở nước này.
Chính phủ Jordan đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ của toàn bộ các cơ quan nhà nước thêm hai tuần cho đến giữa tháng 4 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cùng ngày, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) cho biết đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, các ca mới được phát hiện tại thành phố Misurata, cách thủ đô Tripoli khoảng 200 km về phía Đông. Trước đó, ca đầu tiên mắc bệnh tại thành phố này là một phụ nữ. Trung tâm đã tiến hành xét nghiệm 12 người tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên, trong đó 7 người có kết quả xét nghiệm âm tính và 5 người xác nhận mắc COVID-19.
Cũng trong ngày 29/3, GNA đã ban bố lệnh cấm di chuyển giữa các thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời mở rộng lệnh giới nghiêm từ 14h chiều hôm trước đến 7h sáng hôm sau.
Ngay sau khi Libya công bố ca mắc COVID-19 đầu tiên ở nước này vào ngày 24/3, Thủ tướng Fayez Serraj của GNA đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tại Maroc, Bộ Y tế cho biết, tính đến 18h ngày 29/3 (giờ địa phương), nước này đã ghi nhận 463 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 26 ca tử vong và 13 ca đã được điều trị khỏi bệnh. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Casablanca với 133 ca, Fes Meknes 87 ca, thủ đô Rabat với 83 ca và Marrakech-Safi 81 ca.
Maroc ngày 22/3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế kéo dài trong 1 tháng, đồng thời áp dụng các biện pháp như đóng cửa biên giới trên đất liền và trên biển, tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách quốc tế để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Mới đây, ngày 27/3, Chính phủ Maroc đã quyết định bổ sung 200 triệu USD cho hệ thống y tế để nâng cao năng lực đối phó với dịch COVID-19.
Tại Sudan, Bộ Y tế đã công bố thêm 1 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 6 ca. Bộ trưởng Thông tin Sudan Faisal Saleh đã thay mặt Chính phủ chuyển tiếp ở nước này tuyên bố mở rộng thời gian giới nghiêm từ 16h hằng ngày, thay vì 20h, kể từ ngày 31/3. Trước đó, ngày 23/3, Chính phủ Sudan đã tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm một phần tại tất cả các thành phố trong toàn quốc để ngăn chặn dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Bộ Y tế Nam Phi ngày 29/3 thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 93 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia 56 triệu dân này lên 1.280 ca.
Nam Phi cũng ghi nhận ca tử vong thứ 2 do nhiễm virus SARS-CoV-2 là một bệnh nhân nam giới 74 tuổi, được cơ quan y tế xác nhận dương tính với COVID-19 hôm 27/3.
Ngày 27/3, Nam Phi đã công bố 2 ca tử vong đầu tiên do COVID-19, nhưng sau đó 1 ngày, Bộ Y tế nước này xác nhận chỉ có 1 ca tử vong do COVID-19, trường hợp tử vong còn lại do nguyên nhân khác.
Nam Phi đang trong ngày thứ 3 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày nhằm giảm đà lây lan dịch COVID-19. Theo cảnh sát Nam Phi, hàng trăm người đã bị bắt trong 3 ngày qua do vi phạm các quy định phong tỏa.