Theo kết quả nghiên cứu mới đây được Tổ chức Nghiên cứu Thị trường Quốc tế (IFOP) và Viện nghiên cứu Quỹ Jean-Jaures thực hiện, gần một nửa dân Pháp không ra khỏi nhà vì lười. Các nhà nghiên cứu chỉ ra tình trạng lười biếng, vốn ảnh hưởng tới 45% dân số Pháp, là hậu quả trực tiếp từ các đợt phong tỏa ngừa COVID-19.
“Bệnh lười ra khỏi nhà đặc biệt tập trung ở những nhóm tuổi tầm trung: 52% trong nhóm người 25 - 34 tuổi và 53% trong nhóm người 35 - 49 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ ở nhóm người trên 65 chỉ là 33%”, dữ liệu nghiên cứu nêu rõ.
Cuộc khảo sát công bố vào tuần trước cho thấy 74% số người được hỏi coi ghế sofa và giường là vật dụng không thể thiếu.
Theo nghiên cứu, đại dịch và các lệnh cấm nghiêm ngặt đã có tác động sâu đến thái độ của người Pháp đối với công việc, cuộc sống gia đình, thời gian rảnh rỗi và không gian cá nhân. Khoảng 37% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy ít có tinh thần làm việc hơn trước và 41% bày tỏ bản thân cảm thấy mệt mỏi hơn. Tình trạng mệt mỏi gia tăng xảy ra đối với mọi giới tính, lứa tuổi, nền tảng xã hội và nơi sống.
Thái độ của người Pháp đối với quan điểm cân bằng giữa công việc và cuộc sống thậm chí thay đổi đáng kể hơn. Năm 1990, 60% người Pháp cho rằng công việc là rất quan trọng, so với chỉ 24% vào năm 2021. Năm 1953, 54% người trưởng thành có việc làm tin rằng họ cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát mới nhất, chỉ có 39% nghĩ rằng họ cân bằng được giữa công việc và cuộc sống cá nhân, trong khi 48% số người được hỏi tự coi mình là kẻ thất bại.
Theo nghiên cứu, thay đổi trong quan điểm này càng trở nên khác biệt do đại dịch COVID-19. Nghiên cứu chỉ ra việc thường xuyên sa thải nhân viên lâu năm và quản lý chỉ tập trung vào thành tích tài chính đã làm thay đổi mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Cuộc khảo sát trên được thực hiện trong 2 ngày đầu tháng 9, với khoảng 1.001 người Pháp trưởng thành tham gia.