Ngày hội của người lao động thế giới: "8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi"

Tinh thần ngày Quốc tế Lao động 1/5 vẫn vẹn nguyên giá trị, cho dù thế giới đã trải qua nhiều biến động thăng trầm. Đây vẫn là ngày mà người lao động khắp thế giới tôn vinh những thành quả đạt được và đấu tranh cho bình đẳng xã hội, cải thiện môi trường làm việc, đòi quyền được có việc làm.

Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện tại một số nơi ở nước Anh, nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất.

Do việc công nhân viên chức Anh di cư sang Mỹ ngày càng đông, phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ, đồng thời với nó là sự nảy nở và phát triển rộng khắp của phong trào công đoàn. Năm 18, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc chính phủ. Nhưng các nhà máy, xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.

Hình ảnh người lao động Mỹ đòi giảm giờ làm đã đi vào các tác phẩm hội họa.


Năm 1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: “...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.

Ngày 1/5/1886, do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, giai cấp công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40.000 người không đến nhà máy mà tổ chức míttinh, biểu tình trên đường phố với biểu ngữ: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340.000 công nhân tham gia. Ở Oasinhtơn, New York, Baltimore, Boston... hơn 125.000 công nhân giành được quyền chỉ làm 8 giờ mỗi ngày.

Những cuộc biểu tình tại Chicago diễn ra ngày càng quyết liệt. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận: “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nhân công nghiệp đến như vậy”.

Ngày 14/7/1889, ba năm sau “thảm kịch” tại thành phố Chicago, Quốc tế II được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Frederic Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của Lênin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN