Ngày họp cuối cùng của AMM-49

Ngày 26/7, tại thủ đô Vientiane sẽ diễn ra các cuộc họp cuối cùng trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 49 (AMM-49) và các hội nghị liên quan.

Toàn cảnh hội nghị AMM lần thứ 49 tại Vientiane ngày 24/7. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày họp cuối cùng này sẽ diễn ra các cuộc họp gồm ASEAN+3 (ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 17; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 6 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Australia, New Zealand) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 23 (với sự tham dự của 10 nước ASEAN và 17 đối tác).

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, các bộ trưởng sẽ bàn việc kiểm điểm thực hiện kế hoạch công tác 2013-2017 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch công tác mới cho giai đoạn tiếp theo; chuẩn bị cho Cấp cao ASEAN+3 vào tháng 9/2016, trong đó có việc thông qua Tuyên bố Cấp cao ASEAN+3 về phát triển bền vững do Lào đề xuất.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS) sẽ bàn về cấu trúc khu vực đang định hình và vai trò của EAS, việc triển khai Tuyên bố kỉ niệm 10 năm thành lập EAS do các lãnh đạo thông qua hồi tháng 11/2015, trong đó có các biện pháp tăng cường EAS như lập cơ chế CPR+8 tại Jakarta và thành lập bộ phận EAS trong Ban Thư ký ASEAN.

Hội nghị cũng sẽ bàn việc chuẩn bị cho Cấp cao EAS vào tháng 9/2016, trong đó có các văn kiện dự kiến được thông qua là Tuyên bố Cấp cao EAS về chống phổ biến vũ khí hạt nhân do Australia đề xuất, Tuyên bố Vientiane về Thúc đẩy hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng do Lào đề xuất, Tuyên bố Cấp cao EAS về Chống phổ biến hạt nhân và Tuyên bố Cấp cao EAS về Người di cư và Nạn buôn bán người do Mỹ đề xuất.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các bộ trưởng sẽ rà soát việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong năm giữa kỳ vừa qua và thông qua danh sách các hoạt động cho năm giữa kỳ tiếp theo 2016-2017 cũng như bàn về định hướng tương lai của ARF.


Hội nghị dự kiến sẽ thông qua các Tuyên bố ARF về Tăng cường quản lý biên giới chống sự dịch chuyển của tội phạm do Trung Quốc đề xuất, Tuyên bố ARF về các vụ tấn công khủng bố gần đây do Nhật Bản đề xuất, Tuyên bố ARF về Tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển do Việt Nam đề xuất.

Bên cạnh các vấn đề trên, hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, tình hình Bán đảo Triều Tiên, khủng bố và bạo lực cực đoan, nạn buôn bán người, di cư bất thường…

TTXVN/Tin Tức
Nhật Bản mong Lào tích cực giải quyết căng thẳng Biển Đông
Nhật Bản mong Lào tích cực giải quyết căng thẳng Biển Đông

Nhấn mạnh luật pháp quốc tế phải được tôn trọng trong vấn đề Biển Đông, Nhật Bản đồng thời hy vọng Lào sẽ đóng vai trò tích cực trong giải quyết tranh chấp Biển Đông với tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN