Nghị trường Pháp "nóng" khi sửa đổi luật Lao động

Bầu không khí căng thẳng trên đường phố trong hai tháng qua, với hàng trăm cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp nhằm phản đối Dự luật Lao động sửa đổi đã lan vào phòng họp của Quốc hội vào chiều 3/5, khi các nghị sĩ bắt đầu thảo luận về dự luật gây tranh cãi này.

Người biểu tình xung đột với cảnh sát ở Paris ngày 1/5. Ảnh: THX/TTXVN

Ngay sau khi Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri - người chủ trì việc sửa đổi Luật Lao động, giới thiệu văn bản dự thảo mới nhất, được chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị, bầu không khí nghị trường đã nóng lên với các ý kiến phản biện của các nghị sĩ đến từ các đảng đối lập. Trong khi các nghị sĩ tranh luận căng thẳng trong phòng họp thì bên ngoài trụ sở tòa nhà Quốc hội, tại quảng trường Invalides diễn ra cuộc biểu tình tập hợp khoảng 2.000 người. Họ giương cao biểu ngữ đòi rút lại dự luật lao động sửa đổi.

Trước khi diễn ra phiên thảo luận ngày 3/5, các nghị sĩ đã gửi tới ban soạn thảo khoảng 5.000 kiến nghị. Các ý kiến nhiều đến nỗi hệ thống tin học của Quốc hội Pháp bị quá tải và báo lỗi, buộc bộ phận tiếp nhận phải kéo dài thời gian nhận kiến nghị đến hết ngày 30/4 thay vì 29/4 như quy định trước đó.

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri cho rằng dự luật là văn bản thể hiện sự "tiến bộ", "đề cao đối thoại xã hội", "đưa ra những quy định đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động", "sửa đổi Luật Lao động là cơ hội cải cách triệt để" nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng đồng thời tạo điều kiện để người làm công ăn lương được ký các hợp đồng lao động dài hạn. Song các lập luận của Bộ trưởng Myriam El Khomri đã không thuyết phục được cử tọa. Trước đó, phát biểu trên đài phát thanh Europe 1 ngày 1/5, bà khẳng định dự luật lao động sửa đổi là một "biện pháp tái cơ cấu" nhằm cải thiện thị trường việc làm và "cuộc cải cách cần phải duy trì tham vọng của nó".

Cũng trong phiên thảo luận chiều 3/5, ông Jean-François Copé đại diện cho nhóm nghị sĩ đảng "Những người Cộng hòa" (LR) đã đề xuất bác bỏ dự luật mà không cần phải thảo luận vì cho rằng văn bản này đi ngược lại với một hoặc nhiều quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, đề xuất của ông đã không được chấp thuận do không có đủ số phiếu cần thiết.

Dự luật Lao động sửa đổi được Chính phủ Pháp đưa ra ngày 18/2 là dự luật gây tranh cãi nhiều nhất tại Pháp trong những năm qua. Theo các tổ chức công đoàn, các quy định trong dự luật tạo điều kiện để chủ doanh nghiệp có nhiều lý do để biện minh cho việc sa thải nhân công, làm phương hại đến lợi ích của người lao động. Trong khi đó, học sinh, sinh viên thì lo ngại rằng dự luật sẽ khiến lớp trẻ đối mặt với tương lai bấp bênh khi khó có thể tìm được một công việc ổn định. Ở phía bên kia, Chính phủ cho rằng, các quy định của dự luật thực chất là cởi trói cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng nhân viên hơn khi họ ít bị ràng buộc hơn bởi các khoản đóng góp và bồi thường cho người lao động.

Các cách hiểu khác nhau về văn bản này đã chia rẽ nước Pháp thành hai phe ủng hộ và phản đối. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những cuộc biểu tình rầm rộ tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp thời gian qua. Theo kế hoạch, dự luật sẽ được thảo luận tại Quốc hội từ nay đến ngày 12/5, sau đó các nghị sĩ sẽ chính thức bỏ phiếu thông qua vào ngày 17/5.

TTXVN/Tin Tức
Đụng độ tiếp diễn tại Pháp
Đụng độ tiếp diễn tại Pháp

Trong ngày Quốc tế Lao động, nhiều cuộc biểu tình đã diễn tại một loạt thành phố trên toàn nước Pháp cùng với đó là các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình quá khích và cảnh sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN