Theo những nhân vật đứng đằng sau ý tưởng trên, động thái này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến bất kỳ ý định nào nhằm khôi phục lại hoạt động của các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, EU cho đến nay vẫn không thể nhất trí về mức giá trần đối với dầu Nga, cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế và năng lượng khác.
Được biết, EP có kế hoạch kêu gọi EU ngăn chặn việc khôi phục các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream như một phần của gói trừng phạt tiếp theo. Trả lời phỏng vấn báo Izvestia, nghị sĩ Đức Gunnar Beck nói rằng EP muốn thực hiện điều đó thông qua lệnh cấm vận nhập khẩu năng lượng của Nga. Điều đó có nghĩa là tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có cả Đức, sẽ phải ngừng các kế hoạch sửa chữa Nord Stream và Nord Stream 2.
EP đang cố gắng thúc đẩy sáng kiến này sau khi bỏ phiếu tuyên bố Nga là nước tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, theo cách nói của ông Beck, ngoài việc EP thiếu các quyền hạn cần thiết thì quá trình thống nhất ý tưởng trên cũng sẽ là một trở ngại bởi nhiều quốc gia thành viên EU hiện chưa sẵn sàng thực hiện một bước đi như vậy. "Các biện pháp trừng phạt đang bắt đầu gây ra sự chia rẽ trong nội bộ EU.
Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy một số quốc gia theo đuổi chính sách trừng phạt bất chấp tiến trình chung đã rõ ràng kể từ khi xảy ra bất đồng giữa Belarus và Ba Lan", bà Ekaterina Arapova, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế nói với Izvestia.
Theo bà, các quốc gia đều đang nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và điều này đang gây trở ngại cho nỗ lực chung. Trước đây, có thông tin cho rằng gói trừng phạt thứ chín sẽ dựa trên việc ấn định trần giá dầu. Tuy nhiên, EU vẫn chưa thống nhất được cơ chế liên quan. Bà Arapova cho rằng EU gần như đã cạn kiệt phương tiện kinh tế để gây áp lực, nên lựa chọn duy nhất còn lại là trừng phạt một số công ty Nga và áp đặt các hạn chế đối với các cá nhân.